Đại dịch COVID-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt. Giải quyết những núi rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà nước ta đang phải đối mặt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19. Bộ TN&MT đề nghị các địa phương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19.
Các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom,vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế tại các khu vực nêu trên của địa phương để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch rất lớn, nếu không thực hiện tốt các giải pháp để quản lý sẽ tác động tiêu cực đến môi trường
Rác thải phát sinh tăng đột biến
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, trước tình hình dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng như hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần được xem xét, có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn. Chúng ta không thể xem đây là rác thải sinh hoạt thông thường mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh và cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại.
Việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cần tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn. Cụ thể, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng phải khép kín, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là chủng virus corona Ấn Độ có thể lây truyền qua đường không khí.
Mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19, song tại Việt Nam, với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng thì chất thải y tế cũng tăng theo tỉ lệ thuận, nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, do tăng phế thải từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói…
Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường.
Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng vệ sinh môi trường cũng được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại (ước tính khoảng 23 tấn/ngày). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly tập trung do COVID-19.
Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải.
Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa cách ly hơn 1.000 người, lượng rác y tế thải ra trong một ngày là 637 kg.
Lượng rác thải thu gom tại các điểm cách ly, khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế… ở tỉnh Thừa Thiên-Huế từ đầu năm 2021 đến nay hơn 80,2 tấn.
Quá tải xử lý rác y tế
Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh hiện cũng đã nhận được đề nghị từ một số địa phương về việc hỗ trợ thu gom rác sinh hoạt đối với khu vực có ca nhiễm, nghi nghiễm COVID-19. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc chung tay đóng góp cùng TP Hồ Chí Minh sớm dập dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân, tinh thần chung, lúc nào đơn vị cũng rất sẵn sàng. Tuy nhiên, để triển khai việc thu gom rác tại những khu vực này, Công ty cần có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ phía TP.
Các công nhân của Công ty môi trường vận chuyển rác thải y tế đi xử lý
Thành phố cần có cơ chế đặc thù để Công ty có thể triển khai kịp thời việc xây thêm lò đốt. Bởi hiện nay, công suất tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung đã đạt trên 35 tấn/ngày trong khi công suất xử lý tối đa của Công ty là 42 tấn/ngày. Do đó, nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lượng rác có nguy cơ tăng mạnh sẽ vượt quá khả năng xử lý của Công ty.
Được biết, trên thực tế, các lực lượng thu gom rác này về trang thiết bị, phương tiện hầu như không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng dịch bệnh COVID-19, mà phần lớn chỉ dùng để phục vụ hoạt động thu gom rác trong điều kiện bình thường, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thậm chí các lực lượng thu gom rác dân lập còn sử dụng phương tiện xe ba gác tự chế nên rác thải không được che đậy trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trung tâm y tế, nhân viên trung tâm kiểm soát bênh tật, lực lượng vũ trang… thì công nhân làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác COVID–19 tại các khu cách ly, bệnh viên cũng là lực lượng hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân đang rất lo lắng. Nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà thiếu che đậy, khử khuẩn thì sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.
Chính vì vậy, các địa phương cần khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Tiến Minh