Năm 2023, ngành NN-PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 53 - 54 tỉ USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn ha lúa, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, đã thu hoạch 5.366,8 nghìn ha lúa, giảm 1,1% với năng suất bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023 đạt gần 38,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thủy sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản đạt 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%...
Trong khi đó, một số ngành hàng tăng mạnh, như: Rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê đạt 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%...
Năm 2023, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 53-54 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%.
Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn, chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10-2023.
Về nhiệm vụ phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, liên minh kinh tế Á - Âu...
Về thị trường trong nước, sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước dịp cuối năm.