Bình Thuận: Cần xử lý môi trường sau khi nước rút

28/10/2017 22:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Đức Hòa vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp huyện Hàm Thuận Nam khẩn trương kiểm tra, tổng hợp thiệt hại cụ thể trong đợt mưa lũ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vừa qua để sớm hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

Người dân Hàm Thuận Nam khắc phục sau lũ

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận hướng dẫn người dân khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước chống úng, chăm sóc diện tích ao nuôi, cây trồng, đặc biệt là cây thanh long sau khi nước rút để hạn chế thiệt hại.

Trong 2 ngày 23-24/10 vừa qua, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra mưa to trên diện rộng, nước từ thượng nguồn các nhánh sông, suối đổ về sông Cà Ty gây lũ cục bộ làm gần 50 căn nhà bị ngập, lũ cuốn trôi hoàn toàn 1 nhà tạm; 49 căn nhà bị ngập từ 1,0 – 1,5m. Về nông nghiệp, tổng diện tích thanh long bị ngập gần 500 ha; trên 1,5 ha lúa bị cuốn trôi, ngập úng. Về chăn nuôi, lũ cuốn trôi 200 con gà, vịt; làm chết 2 con bò; cuốn trôi khoảng 7.000 bóng đèn compact dùng để chong đèn thanh long. Ước tính thiệt hại trên 15 tỷ đồng. 

UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức trực ban, theo dõi tình hình thời tiết để chủ động thông tin cho người dân biết diễn biến, tình hình mưa, lũ để chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời các hộ dân vùng trũng, bị ngập lên khu vực cao hơn. Xử lý môi trường sau khi nước rút, tránh dịch bệnh xảy ra cho người và gia súc trong khu vực. Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để có thông báo kịp thời diễn biến lũ trên địa bàn tỉnh để chính quyền, người dân chủ động phương án phòng, tránh, giảm tối đa thiệt hại.

H.Thu (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Cần xử lý môi trường sau khi nước rút