Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Cần khai thác khoáng sản hợp lý và bền vững

Hùng Thắng|25/07/2016 16:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– So với các nước trong khu vực và trên Thế giới, tài nguyên và khoáng sản Việt Nam được đánh giá là rất phong phú và đa dạng do đặc điểm địa hình và khí hậu. Hiện tại nước ta có hàng nghìn điểm mỏ và tụ khoáng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau từ các khoáng sản năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành khai khoáng còn rất dồi dào, tuy nhiên, nếu các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương không có quy hoạch phát triển cụ thể thì sẽ không tận dụng được lợi thế về khoáng sản, thậm chí còn làm nguy hại tới địa phương, đặc biệt là vấn đề môi trường. Liên quan tới vấn đề này phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Ông – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường, về công tác quản lý, cấp phép khoáng sản trong thời gian quan.

IMG_1185 (1)

Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường

MT&CS: Luật khoáng sản đã có hiệu lực và đi vào thực tiễn, xin ông cho biết thực trạng công tác chấp hành các quy định nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại các địa phương và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản như thế nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Luật khoáng sản năm 2010 kể từ khi có hiệu lực đến nay đã thực hiện được 5 năm. Theo đó, hệ thống các quan điểm, chính sách của Đảng, của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã được thể chế hóa trong Luật khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và thực sự đã đi vào thực tiễn. Đến nay, việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các địa phương và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét, có thể khái quát như sau:

Hoạt động quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản của UBND cấp tỉnh được dựa trên hệ thống pháp luật về khoáng sản khá đầy đủ và căn cứ trên cơ sở quy hoạch khoáng sản của cả nước cũng như của địa phương. Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại nhiều địa phương đến nay cơ bản được khắc phục, số lượng giấy phép do địa phương cấp phép hàng năm đã giảm một nửa so với trước năm 2012. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp được nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản tại nhiều đia phương đã đạt được hiệu quả nhất định,

Hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp dần đi vào nền nếp; công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu, đã hình thành nên các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã quan tâm tập trung đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị để nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Đặc biệt, quy định mới của Luật khoáng sản về trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, góp phần thu ngân sách hàng năm hàng ngàn tỷ đồng.

MT&CS: Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, trong khi sự vào cuộc của các ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chậm, làm chảy máu tài nguyên, thất thoát ngân sách nhà nước. Vậy trách nhiệm của Tổng cục ở đây là gì, Thưa Ông?

Ông Lại Hồng Thanh: Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó có việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép của UBND các cấp đã được quy định tại Điều 18 Luật khoáng sản. Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khoáng sản; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản. Ngoài việc giúp Bộ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về khoáng sản như đã nêu trên, hiện nay, Tổng cục đã đề xuất bổ sung 01 chương mới trong Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ có nội dung quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó làm rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của UBND các cấp, của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cũng như tổ chức, cá nhân liên quan; đưa nội dung phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác vào Nghị định để các địa phương thực hiện. Tổng cục cũng đã xây dựng để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó bổ sung trên 50 hành vi thuộc lĩnh vực khoáng sản cần xử phạt, đề xuất tăng mức xử phạt bằng tiền từ 10 đến 20 lần so với trước đây nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Ngoài ra, Tổng cục cũng thường xuyên theo dõi tình hình quản lý, khai thác khoáng sản trái phép trên các phương tiện thông tin đại chúng; đề xuất thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để kịp thời phối hợp với các địa phương có liên quan xử lý.

MT&CS: Phần lớn tại các mỏ khai thác, nhà máy chế biến khoáng sản đều không có biện pháp bảo vệ môi trường đúng quy định, đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hướng tới cuộc sống của người dân, thậm chí có nhà máy còn gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Xin ông cho biết kế hoạch xử lý khắc phục tình trạng trên của Tổng cục như thế nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Các tổ chức, cá nhân đều lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp phép khai thác. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp giảm thiểu tác động tới môi trường; chưa xây dựng đầy đủ hoặc xây dựng chưa đúng thiết kế các công trình bảo vệ môi trường theo Báo cáo tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường đã duyệt như phóng viên đã nêu. Việc xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền về môi trường. Tuy nhiên, về phía Tổng cục đã có sự phối hợp thường xuyên với cơ quan quản lý môi trường trong thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản. Khi thực hiện nhiệm vụ, thanh tra chuyên ngành khoáng sản của Tổng cục nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đều lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền về môi trường xử phạt theo quy định. Đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường nghiêm trọng, nếu đã xử phạt hành chính, đã hạn định thời gian để khắc phục nhưng vẫn không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

xe may

Khai thác than tại công ty than Hòn Gai

MT&CS: Để nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản, thời gian tới Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Lại Hồng Thanh: Có thể nói, về mặt thể chế cho công tác quản lý khoáng sản, nhất là khai thác, chế biến khoáng sản đã khá đầy đủ. Để nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ Trung ương đến các địa phương, cả về phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Về phía Tổng cục sẽ thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một cách rộng rãi, bằng nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, nhất là chính quyền cấp xã và người dân nơi có khoáng sản được khai thác;

Tiếp tục thực hiện việc cấp phép khai thác khoáng sản tuân thủ quy hoạch khoáng sản, gắn với các cơ sở chế biến sâu khoáng sản; tạo cơ chế lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến, thu hồi tối đa, sử dụng hiệu quả khoáng sản trong khai thác, chế biến khoáng sản;

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; thực hiện nhiều giải pháp giám sát hiệu quả hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế kiểm soát hiệu quả sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của doanh nghiệp, góp phần chống thất thu ngân sách; kiên quyết đề xuất thu hồi Giấy phép khai thác đối với các doanh nghiệp gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

Nghiên cứu, xây dựng trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề án trao Giải thưởng khoáng sản cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo các tiêu chí: (1) đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản trong khai thác, chế biến; (2) thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; (3) thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; (4) thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính trong khai thác khoáng sản.

Thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh từ người dân, doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý khoáng sản để rà soát, kịp thời đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về khoáng sản./.

MT&CS: Xin chân thành cảm ơn Ông!

Theo Hùng Thắng (TC Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Cần khai thác khoáng sản hợp lý và bền vững