Phú Yên: Tận thu rừng trồng dầu rái sai quy định

17/03/2018 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Ngày 16/3, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa kiểm tra thực tế việc tận thu gỗ rừng trồng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa giải trình về việc này, tùy theo mức độ sai phạm sẽ xử lý.

Lực lượng chức năng thu giữ số gỗ tận thu

Vụ việc xảy ra gần một tuần nay, có nhiều người dân do Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Hòa thuê vào khu vực dốc Cây Tung và Suối Buôn thuộc thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây để chặt cây rừng trồng, do đơn vị này quản lý. Ông T.V.T, người dân địa phương cho biết, mấy ngày nay có nhiều người vào rừng mang theo cưa máy để chặt hạ cây dầu rái và sao đen. Người dân ở đây thấy bất thường vì các loại cây trồng này chưa đủ tuổi nhưng vẫn bị khai thác… Sau khi người dân phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa cử người đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu dừng khai thác và đã báo cáo cấp trên biết.

Chiều 15/3, lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Tây Hòa cũng có mặt tại khu vực rừng bị chặt. Tại hiện trường, nhiều cây có đường kính từ 5-40cm bị chặt hạ. Lực lượng kiểm lâm tiến hành đo, đếm số lượng, khối lượng cây đã bị chặt.

Theo đó, ông Phan Phiến, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa, thừa nhận đã tận thu khai thác cây rừng trồng bị gãy, đổ tại tiểu khu V9.2 thuộc thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Đây là rừng trồng, chủ yếu là dầu rái, sao đen đã hơn 24 năm tuổi với diện tích 83,4 ha. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã gây thiệt hại rừng này từ 5 – 10% nên đã được Bộ NN-PTNT cho phép tận thu, phát dọn thực bì để phòng cháy chữa cháy.

Ông Phiến cũng thừa nhận việc phát dọn chưa đầy đủ thủ tục, chưa phối hợp với Kiểm lâm huyện Tây Hòa trong quá trình tận thu là sai quy định. Số lượng cây tận thu khoảng 300 cây với sản lượng gỗ, củi tận thu hơn 45 m3. Thế nhưng, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế gỗ, củi đã khai thác tập kết tại bãi của đơn vị này, thì chỉ có vài khúc lèo tèo. Ông Phiến giải thích rằng là chỉ tận thu gỗ có đường kính từ 20 cm trở lên, còn lại thì cho người dân vào khai thác vì nếu tận thu cành nhánh thì không có lãi. Và trong lúc tận thu, người dân lén trộm cây khai thác nên thất thoát.

Bên cạnh đó, ông Nguyên khẳng định cho chủ trương tận thu nhưng phải làm đúng quy định, phải có hồ sơ khai thác, khi khai thác phải báo cáo cho Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa để phối hợp giám sát, thu gom gỗ tận thu, tổ chức bán theo quy định của nhà nước.

Linh Lan (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Tận thu rừng trồng dầu rái sai quy định