TPHCM: triển khai biện pháp kiểm soát nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi

Kim Đồng/Lao Động|13/09/2018 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, lực lượng chức năng đã triển khai hàng loạt biện pháp tăng cường phòng chống dịch.

>>>Hà Nội: Đề xuất mở rộng không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

>>> Chiều tối nay, Bắc Bộ mưa dông trở lại

Sẽ hạn chế khách tham quan chuồng trại nhằm tránh dịch. Ảnh: A.C

Tại TPHCM, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM – cho biết, thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn/ngày, trong đó số lợn chăn nuôi trên địa bàn tiêu thụ khoảng 18-20%.

Về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, thành phố đã thực hiện tích cực như: Tăng cường công tác kiểm tra tại các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thông qua các cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành; triển khai tháng tiêu độc khử trùng từ 1.9 đến 1.10 năm 2018; tăng cường công tác vận động người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện việc tập trung kiểm soát về an toàn sinh học trong chăn nuôi…

Đối với các hộ chăn nuôi thì tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 lần đến 2 lần/tuần đối với trang trại của mình, kể cả vật dụng, các trang thiết bị sử dụng trong chăn nuôi cũng như các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, các phương tiện ra vào trang trại.

Đối với các trang trại chăn nuôi thì sẽ hạn chế khách tham quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng để lựa lợn để mua. Tất cả các trường hợp ra vào khu chăn nuôi đều phải thực hiện tắm rửa vệ sinh, mặc đồ bảo hộ lao động để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào trại.

Về công tác kiểm tra ông Phát cho biết thêm: “Hiện nay tất cả các phương tiện vận chuyển động vật (trong đó có thịt lợn) khi ra các trạm đầu mối giao thông là chúng tôi bố trí lực lượng trực 24/24, phối hợp liên ngành giữa lượng cảnh sát giao thông ở hiện trường cùng thú y để kiểm tra và các phương tiện này sẽ được tiêu độc khử trùng trước khi vào thành phố. Những trường hợp các ca nghi ngờ dịch bệnh thì được đưa về trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn để có cách ly, theo dõi và quan sát”.

Đối với các trường hợp thịt nhập khẩu, Chi cục thú y có phân công Chi cục thú y vùng 6 sẽ kiểm soát sản phẩm thịt động vật đông lạnh nhập khẩu khi vào các sân bay, các cảng. Về phân cấp TPHCM thì về các kho lạnh hiện nay, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đang kiểm tra việc nhập xuất các sản phẩm đông lạnh này.

Về nguy cơ dịch tả lợn có thể vào Việt Nam, cụ thể là TPHCM, ông Phát cho rằng không lường trước được, bởi hiện nay việc kiểm soát ở biên giới chủ yếu là hàng xách tay nên rất khó. Ngoài ra, việc trao đổi giữa các cư dân các nước, các chợ vùng biên… khó kiểm soát nhất.

Thủ tướng ban hành công điện “hỏa tốc” yêu cầu ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, chiều 12.9.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg điện Bộ NNPTNT tập trung các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam. Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi…

Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn… KH.V

Theo Kim Đồng/Lao Động


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: triển khai biện pháp kiểm soát nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi