Cà Mau: Cần một giải pháp lâu dài để ứng phó hạn mặn, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân

Thanh Thanh|25/04/2024 13:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn phải đối mặt với tình trạng “khát nước”. Mặc dù đã có nhiều giải pháp tình thế được triển khai nhưng các địa phương vẫn cần có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm.

Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.742 hộ gia đình bị thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt và xuất hiện nhiều hiện tượng sụt lún, sạt lở trên địa bàn do khô hạn. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 đối với huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau - Ông Hồ Tấn Luật cho biết, để đảm bảo cung cấp kịp thời nước cho người dân, cùng với những đơn vị khác, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau đã hỗ trợ nước miễn phí cho nhiều người dân ở nhiều địa bàn đang khô hạn. Dù không thể đáp ứng đủ hết nhu cầu người dân nhưng đó là những giọt nước nghĩa tình trong mùa khô hạn. Đặc biệt, trước tình hình nêu trên, lãnh đạo công ty đã linh hoạt trong công tác vận hành các nhà máy và các trạm cấp nước, đảm bảo cung cấp nước an toàn, liên lục, phục vụ nhu cầu của người dân.

“Để đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân, nhất là mùa khô hạn, công ty luôn tăng cường công tác kiểm tra, vận hành tại các nhà máy, trạm cấp nước. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy trình vận hành. Kiểm soát chất lượng nước, an ninh, an toàn nguồn nước, đảm bảo theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” - ông Luật chia sẻ. 

camau-hanman-moitruongnet.jpg
Hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn phải đối mặt với tình trạng “khát nước”

Hiện nay, tổng số khách hàng của công ty này là trên 87 ngàn hộ dân. Trong năm 2023, công ty đã cấp nước thương phẩm gần 17 triệu m3, tăng 103% so với kế hoạch nhờ phát triển mạng đường ống và tiếp nhận ở các khu dân cư mới. 

Theo đó, doanh thu năm 2023 đạt và vượt trên 115% so với kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước trên 26 tỷ đồng. Từ đó, mức lương của người lao động công ty từ 8,9 triệu đồng/người/tháng tăng lên 10,5 triệu đồng và xếp lương theo vị trí việc làm, góp phần tăng năng suất lao động. Riêng trong quý 1 năm 2024, công ty cung cấp hơn 4,5 triệu mét khối nước cho người dân. 

Đồng thời, với nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số vào trong sản xuất, quản lý khách hàng, đã góp phần nâng chất lượng dịch vụ, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn, phù hợp với nhu cầu phát triển chung của tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau cũng cho biết, dự kiến tháng 5 tới đây, công ty sẽ tiến hành khảo sát tình hình thiếu nước ngọt và hỗ trợ bồn nước cho tất cả các hộ dân và cán bộ chiến sĩ đang sinh sống và làm việc trên đảo Hòn Chuối. 

Từ đó, có phương án kịp thời hỗ trợ bồn chứa nước để các chiến sĩ và người dân vượt qua mùa khô hạn, an tâm nơi đầu sóng ngọn gió với kinh phí khoảng 200 triệu đồng cho giai đoạn 1. Riêng giai đoạn 2, đơn vị dự kiến tiếp tục hỗ trợ thiết bị xử lý nước biển thành nước cấp với công suất 240 lít/giờ (tương đường 5,76 m3/ngày). Kinh phí thực hiện khoảng 300 triệu đồng.

Mặc dù có nhiều giải pháp tình thế đã được triển khai nhưng tình hình khô hạn và khí hậu cực đoan vẫn đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh Cà Mau khi nơi đây khan hiếm nguồn nước ngầm, mực nước ngầm lại đang sụt giảm mạnh. Vì vậy, cần phải có một giải pháp lâu dài và bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo cung cấp nước kịp thời, an toàn, liên tục cho người dân trên địa bàn. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cà Mau: Cần một giải pháp lâu dài để ứng phó hạn mặn, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.