10 thảm họa khí hậu lớn đã gây tổn thất 229 tỷ USD trong năm 2024
Năm 2024, biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa thiên nhiên khốc liệt, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 229 tỷ USD. Đây là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự cần thiết phải hành động quyết liệt để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.
Phân tích mới nhất từ tổ chức từ thiện Christian Aid cho biết, 10 thảm họa khí hậu tốn kém nhất thế giới năm 2024 đã gây ra thiệt hại kinh tế 229 tỷ USD và làm 2.000 người thiệt mạng.
Báo cáo này liệt kê 10 thảm họa khí hậu có chi phí thiệt hại lớn nhất trong năm, với mỗi thảm họa gây tổn thất trên 4 tỷ USD. Đứng đầu danh sách là bão Milton vào tháng 10 vừa qua, gây thiệt hại 60 tỷ USD, tiếp theo là bão Helene, đổ bộ vào Mỹ, Cuba, và Mexico vào tháng 9, với tổn thất 55 tỷ USD. Tại Trung Quốc, các trận lũ lụt đã gây tổn thất khoảng 15,6 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực Tây Nam Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 với tên quốc tế là bão Yagi, đổ bộ Philippines ngày 2/9 trước khi càn quét qua Lào, Myanmar, Việt Nam, và Thái Lan, gây sạt lở đất, lũ quét, phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và diện tích đất nông nghiệp.
Ba trong số 10 thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất diễn ra tại châu Âu bao gồm bão Boris ở Trung Âu và các trận lũ tại Tây Ban Nha và Đức, với tổng thiệt hại lên tới 13,87 tỷ USD.
Đáng lưu ý, 3/4 trong tổng thiệt hại tài chính này xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu được biên soạn vào năm 2018, bảng thống kê năm nay đã ghi nhận 2 cơn bão trong cùng một năm gây tổn thất hơn 50 tỷ USD, bao gồm cơn bão Helene và Milton đã tấn công nước Mỹ lần lượt vào tháng 9 và tháng 10/2024.
Danh sách này chủ yếu tập trung vào thiệt hại tài chính, thường cao hơn tại các quốc gia giàu có do giá trị tài sản lớn và tỷ lệ bảo hiểm cao. Tuy nhiên, Christian Aid cũng nhấn mạnh một số thảm họa khí hậu nghiêm trọng nhất năm 2024 lại xảy ra tại các quốc gia nghèo hơn – những nước đóng góp rất ít vào cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng có nguồn lực hạn chế để ứng phó.
Phải kể đến trong số đó là bão Chido tàn phá đảo Mayotte (Pháp) vào tháng 12, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. Tại Colombia, đợt hạn hán nghiêm trọng khiến mực nước sông Amazon giảm tới 90%, đe dọa các cộng đồng bản địa sống dựa vào dòng sông để sinh hoạt và đi lại.
Các đợt nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng tới 33 triệu người tại Bangladesh, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza. Khu vực Tây Phi cũng hứng chịu các trận lũ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hơn 6,6 triệu người tại Nigeria, Chad, và Niger. Trong khi đó, Nam Phi đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử, ảnh hưởng tới hơn 14 triệu người tại Zambia, Malawi, Namibia, và Zimbabwe.
Phân tích cũng cho thấy tác động tài chính ngày càng tăng của các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra, khi lần đầu tiên tất cả 10 thảm họa hàng đầu trong năm đều gây thiệt hại trên 4 tỷ USD trong mỗi sự kiện.
Tiến sĩ Mariam Zachariah, một nhà nghiên cứu về thời tiết thế giới tại Đại học Hoàng gia London, cho biết “hầu hết các thảm họa này đều cho thấy dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu. Rõ ràng, thời tiết khắc nghiệt đang gây ra những nỗi đau khủng khiếp ở mọi nơi trên thế giới… Báo cáo này chỉ là một bức ảnh chụp nhanh về sự tàn phá của khí hậu trong năm 2024. Có rất nhiều đợt hạn hán, nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt không được đưa vào danh sách nhưng đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn”.
Bảng xếp hạng được Christian Aid biên soạn vào cuối mỗi năm, sử dụng dữ liệu từ các khoản thanh toán bảo hiểm. Tổ chức từ thiện này cho rằng chi phí thực sự của các thảm họa có khả năng cao hơn nhiều vì nhiều người không được bảo hiểm, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Tổ chức phi chính phủ này cũng lưu ý rằng nhiều thảm họa khí hậu lớn khác trong năm 2024 có tác động tài chính tức thời thấp hơn, nhưng sẽ gây ra những tổn thất kéo dài không thể tính toán được về số người chết, sự phá hủy các hệ sinh thái quan trọng trên toàn cầu và thiệt hại lâu dài đối với nguồn cung cấp lương thực, sự ổn định xã hội hoặc mực nước biển, điển hình như lũ lụt ở Tây Phi, lở đất ở Philippines, hạn hán ở Nam Phi và nắng nóng ở Bangladesh, Gaza và Đông Nam Cực.
Từ đó, ông Patrick Watt, Tổng Giám đốc điều hành của Christian Aid, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần cắt giảm lượng khí thải và tăng tiền bồi thường cho các nước nghèo. “Nỗi đau do khủng hoảng khí hậu gây ra là hệ quả của những lựa chọn chính trị. Sự gia tăng về mức độ nghiêm trọng và tần suất của hạn hán, lũ lụt, và bão không phải là hiện tượng tự nhiên. Những thảm họa này đang bị thúc đẩy bởi các quyết định tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến lượng phát thải tăng cao. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các cam kết tài chính đối với các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu không được thực hiện đầy đủ. Năm 2025, chính phủ cần đi đầu trong hành động, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, giảm phát thải, và thực hiện nghiêm túc các cam kết tài chính của họ”.
Ông Joanna Haigh, Giáo sư Vật lý Khí quyển tại Trường Cao đẳng Imperial London, nhấn mạnh: “Báo cáo này là một lời cảnh tỉnh nghiêm túc rằng biến đổi khí hậu không thể bị phớt lờ, và tình hình sẽ ngày càng tồi tệ nếu chúng ta không hành động kịp thời. Các chính trị gia coi nhẹ tính cấp bách của cuộc khủng hoảng này không chỉ gây hại cho chính người dân của họ mà còn tạo ra những đau khổ trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu không thể được giải quyết chỉ bằng những tuyên bố chính trị. Chúng ta cần các hành động thiết thực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo. Những thiệt hại kinh tế từ các sự kiện thời tiết cực đoan này nên được xem như một hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ”.