Ao cá Bác Hồ
Ao vốn được đào với mục đích để chứa nước tại Phủ toàn quyền Đông Dương. Sau khi Bác Hồ chuyển về nơi này sinh sống, thấy chiếc ao bỏ không, Bác đã đưa ra ý tưởng cải tạo ao, vừa tạo môi trường trong sạch, vừa nuôi cá cải thiện bữa ăn cho cán bộ làm việc ở đây và làm quà cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay để sử dụng mỗi khi Bác mời cơm các đoàn khách trong nước và quốc tế. Sau khi ao được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá, Trại cá giống Đình Bảng đã mang sang những giống cá tốt thả vào ao. Cá được thả nuôi trong ao chủ yếu là rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ… và một số loài nhập nội.
Đây còn là khởi nguồn cho cả một phong trào phát triển nuôi cá trên cả nước với tên gọi “Ao cá Bác Hồ”.
Sinh thời, Bác luôn chú trọng phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Trong di chúc của mình, Bác đã viết “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời căn dặn của Người và nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/11/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, lấy ao cá của Bác ở Phủ Chủ tịch làm kiểu mẫu. Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch đã được gửi cho nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Hà Nội…
Trên khắp cả nước từ Bắc tới Nam, từ miền núi tới đồng bằng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công cải tạo ao tù, đồng cớm thành khu “Ruộng cả ao liền” nhằm phát huy tiềm năng mặt nước phong phú trên khắp đất nước. Phong trào này đã thu hút được đông đảo các địa phương trong cả nước tham gia và gặt hái được những thành công lớn. Những “Ao cá Bác Hồ” trở thành những “kho thực phẩm” ở nông thôn giúp giải quyết hậu cận tại chỗ. Riêng miền Bắc, đã có khoảng 4,5 vạn ha diện tích ao nhỏ được sử dụng làm mặt nước nuôi cá cho năng suất cao.
Trước đó, vào tháng 5/1960, HTX Yên Duyên – Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Bác gửi tặng 100 con cá rô phi giống lấy từ “Ao cá nhà Bác” để nuôi, từ đó sản lượng cá của địa phương tăng từ 50 tấn (năm 1962) lên 730 tấn cá (năm 1975) nhờ tận dụng tốt mặt nước cũng như nguồn thức ăn phong phú sẵn có. Đến đầu năm 1969, một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ra Trung ương họp và được vào báo cáo với Bác về thành tích của tỉnh, khi Bác hỏi thăm tình hình sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh, đồng chí cán bộ báo cáo đời sống của nhân dân khó khăn vì thu nhập chính là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, cá giống không đủ để nuôi. Bác nói “Nếu thiếu giống thì Bác sẽ cho cá giống.
Trong lúc nghề cá biển gặp nhiều khó khăn, các chú cần đẩy mạnh nuôi cá để có thêm thức ăn bồi dưỡng sức dân”. Mùa thu năm ấy, Bác đột ngột qua đời, nhưng theo lời Bác, nhân dịp sinh nhật Bác 19/5/1970, đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá của Bác. Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày đưa cá về đến Quảng Bình.
Sau khi Bác qua đời, nhiều địa phương, đơn vị đã xin cá giống ở “Ao cá Bác Hồ” về nuôi cùng với số cá giống tốt ở địa phương. Ngày 18/12/1978, chiếc máy bay chở cá giống từ “Ao cá Bác Hồ” đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Số cá giống này được nuôi tại Trung tâm cá giống Thủ Đức để cung cấp cá giống cho đồng bào miền Nam.
Theo báo cáo tổng kết năm 1978, nhiệm vụ kế hoạch năm 1979 của Bộ Hải sản, “Phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ vừa có ý nghĩa chính trị thiêng liêng, đời đời nhớ ơn Bác, vừa có hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc xây dựng các vành đai nuôi cá thực phẩm xung quanh các thành phố và khu công nghiệp lớn. Phong trào vừa mới phát động, khắp nơi đã nô nức hưởng ứng và triển khai hết sức tích cực… Bộ đã quyết định xây dựng 3 cơ sở nhân giống cá từ ao cá Bác Hồ là Trung tâm Đình Bảng ở Hà Nội, cơ sở Thủ Đức ở TP.Hồ Chí Minh và 1 cơ sở ở Đà Nẵng”.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ: “Cần phát triển mạnh phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ theo phương pháp nuôi tiên tiến và học tập những kinh nghiệm hay của nhân dân”.
Nhiều địa phương sau khi nhận cá giống từ “Ao cá Bác Hồ” đã kết hợp cùng một số cá giống tốt của địa phương tạo nguồn cá giống chất lượng cung cấp cho cơ sở. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Hải sản và Bộ Nông nghiệp đã tổ chức 9 lễ giao nhận cá giống từ “Ao cá Bác Hồ” cho 31 đoàn của các địa phương, đơn vị.
Từ phong trào này, nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng yêu cầu nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả kinh tế thiết thực. Ngành thủy sản xác định lấy phong trào phát triển “Ao cá Bác Hồ” làm động lực, phát động mọi nơi, mọi cơ quan, đơn vị gia đình đều nuôi cá…
Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản nước ta theo chiều sâu. Đặc biệt trong thời kỳ tình hình khai thác thủy sản gặp khó khăn, nước ta đã xác định đẩy mạnh nghề nuôi thủy sản cho tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và tiềm năng của đất nước.
Từ phong trào “Ao cá Bác Hồ”, năng suất cá của nhiều địa phương đã tăng lên vượt bậc. Tại Hà Nội, hệ thống hồ thuộc vườn hoa Thống Nhất đã được cải tạo thành “Ao cá Bác Hồ” và đưa năng suất cá ở khu vực này từ 3 tấn/ha (năm 1977) lên 7 tấn/ha (năm 1979).
Tại Hà Sơn Bình, sau 8 tháng thả nuôi 15kg cá giống “Ao cá Bác Hồ” trên diện tích 0,6ha, Hợp tác xã Song Phượng (Đan Phượng) thu được 3.132kg cá, vượt chỉ tiêu 5 tấn cá/ha ao hồ. Tại Thái Bình, gần như 100% hợp tác xã đều có “Ao cá Bác Hồ” vào những năm 1980.
Người dân xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ đã từng bước vươn lên giàu mạnh từ nghề nuôi cá. Tại An Ấp, “Ao cá Bác Hồ” không chỉ là ao nuôi cá mà còn là “không gian văn hóa” của nhiều sinh hoạt cộng đồng, nhất là vào các dịp Quốc khánh 2/9 và rằm trung thu, khi Đoàn thanh niên tổ chức cắm trại, thi văn nghệ ven Ao cá Bác Hồ.
Ao và nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội
Nền kinh tế đất nước phát triển kéo theo nhiều thay đổi khiến phong trào “Ao cá Bác Hồ” không còn duy trì được sự phát triển rầm rộ như thời gian đầu. Tuy nhiên, tại một số địa phương, “Ao cá Bác Hồ” vẫn còn được duy trì và đã dần được tôn tạo, khôi phục lại.
Tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, cùng với các di tích lịch sử quen thuộc, thu hút đông đảo nhân dân cả nước như Cụm di tích Hoàng Trù, Cụm di tích Làng Sen, khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, “Ao cá Bác Hồ” tại Khu di tích Kim Liên cũng là một địa điểm thu hút du khách tới tham quan quê Bác. Ao cá nằm trên tuyến đường dẫn sang quê nội của Bác tại Làng Sen, được các nhân viên tại Khu di tích Kim Liên chăm sóc và tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt, số cá chép nuôi trong ao được đưa về từ “Ao cá Bác Hồ” tại Khu di tích trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Tại Sơn La, “Ao cá Bác Hồ” vẫn được người dân, chính quyền địa phương bảo tồn và duy trì. Ao cá nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Sơn La dọc theo quốc lộ 6. Chính quyền tỉnh đã có chủ trương cải tạo, chỉnh trang “Ao cá Bác Hồ” gắn liền với quần thể Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và khu trụ sở hành chính của tỉnh. Ao cá có hình dáng cách điệu cánh hoa ban đặc trưng của miền Tây Bắc, với diện tích mặt nước 13.552 m²; có đường dạo quanh ao rộng 3m, sân tưởng niệm, vỉa hè, khuôn viên trồng cây xanh, thảm cỏ, đài phun nước và hệ thống chiếu sáng hiện đại… và Tháp giếng nước lịch sử bên bờ ao vẫn được giữ nguyên.
Theo NNVN