Toàn tỉnh Bắc Giang có 3 con sông lớn có lưu lượng nước quanh năm là sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương, với tổng chiều dài gần 350 km. Ngoài sông suối, trên địa bàn tỉnh còn có 274 hồ, đập chứa nước với tổng dung tích khoảng 382 triệu m3. Các hồ, đập chứa nước có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có hồ Cấm Sơn và hồ Khe Đặng có nhiệm vụ kết hợp cấp nước sinh hoạt; riêng hồ Cấm Sơn còn kết hợp phát điện.
Hệ thống sông ngòi của tỉnh Bắc Giang có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sự phát triển KT- XH của tỉnh và các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, trong những năm qua, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dân số tăng; các hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi phát triển ngày càng mạnh mẽ, theo hướng quy mô lớn... lượng chất thải, nước thải, khí thải theo đó tăng cao. Trong khi, nhận thức, ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn thế. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, làm cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến phát triển KT-XH và đời sống người dân về lâu dài.
Theo kết quả quan trắc gần đây nhất của cơ quan chuyên môn đối với 50 vị trí nước mặt tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, cho thấy, có 47/50 vị trí bị ô nhiễm bởi các thành phần môi trường với mức ô nhiễm dao động từ 1,02 - 45,8 lần.
Chất lượng nước các sông Thương, Cầu và Lục Nam qua kiểm tra tại các vị trí quan trắc đều bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, vi sinh vật. Cụ thể, chất lượng nước sông Thương tại 8/8 vị trí quan trắc có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, vi sinh vật (BOD5, COD, TSS, NO2-, NH4+, PO43-, kim loại nặng Fe, Hg, Zn, Coliform, tổng dầu, mỡ, vượt quy chuẩn cho phép từ 1,03-13,12 lần).
Nguyên nhân dẫn tới nguồn nước các sông bị ô nhiễm là do nước thải của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, khu dân cư, khu đô thị... chưa được thu gom, xử lý triệt để gây tích tụ, ô nhiễm môi trường cục bộ. Tại sông Cầu, do nước thải của sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh đầu nguồn chảy xuống, cộng với khu đô thị, khu dân cư xung quanh chưa có hệ thống xử lý tập trung, xả trực tiếp nước thải ra sông Cầu... Riêng sông Lục Nam, ngoài các nguyên nhân trên, còn bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản...
Đối với môi trường nước một số hồ lớn như: Đá Ong, Bầu Lầy, Cấm Sơn, Làng Thum, Suối Mỡ, Suối Nứa, Cầu Rễ và nước mặt ao, hồ trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh, qua quan trắc cũng cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, bởi các chất hữu cơ, vi sinh, các kim loại nặng… Nguyên nhân do đây là nơi tiếp nhận nước thải từ khu dân cư, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, lưu giữ nước thải nhiều năm chưa được cải tạo, nạo vét. Hàm lượng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm kim loại đang có dấu hiệu tăng vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát kịp thời và cải thiện chất lượng tại các khu vực này.
Đối với nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, từ kết quả quan trắc đối với 29 vị trí nước dưới đất cho thấy có 12/29 vị trí bị ô nhiễm bởi 6 thông số: Amoni, Nitrat, Coliform, các kim loại nặng Chì, Thủy ngân, Sắt. Nguyên nhân suy giảm chất lượng nước dưới đất do chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các khu, cụm công nghiệp, chất thải từ các khu dân cư, bãi chôn lấp rác thải chưa được xử lý tốt, qua nhiều năm đã tích đọng, ngấm vào các mạch nước ngầm. Ngoài ra việc khai thác nước ngầm chưa đúng quy định còn dẫn đến nhiều nguy cơ về lâu dài như sụt lún, giảm mực nước ngầm, gây ô nhiễm đến chất lượng nước dưới đất tại các khu vực xung quanh.
Được biết, trước tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm, suy thoái, có nguy cơ cạn kiệt, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định, điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này. Cu thể như Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 48/2022/QĐ-UBND ngày 1/11/2022 về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tổ chức cấp phép khai thác tài nguyên nước; kiểm tra, xử lý các vi phạm... theo quy định.
Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT thông tin: Năm 2023, Sở đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh tại Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 10/7/2023; triển khai thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng đó, thường xuyên rà soát, cho ý kiến đối với các dự án có sử dụng nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước; tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, TP thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác nước trên địa bàn lập hồ sơ thủ tục tài nguyên nước theo quy định...
Việc thực hiện các kế hoạch điều tra về tài nguyên nước theo đó được thực hiện nghiêm túc như: Kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước; lập, công bố danh mục các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và phạm vi hành lang bảo vệ đối với từng nguồn nước sông, suối; đánh giá tổng thể chất lượng nước mặt sông Thương, đề xuất biện pháp bảo vệ chất lượng nước mặt sông Thương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu để làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Cùng đó, Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép, cấp phép theo ủy quyền 31 giấy phép tài nguyên nước; thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác nước của 26 tổ chức/cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Đơn vị đã thực hiện 2 đợt thanh tra đối với 10 doanh nghiệp về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; qua đó đã phát hiện xử lý vi phạm đối với 2 tổ chức khai thác, sử dụng nước dưới đất trái quy định.
Bảo vệ tài nguyên nước đã trở thành vấn đề cấp thiết, vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần có sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng. Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước: Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác. Người phát hiện hành vi, hiện tượng gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn và báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để kịp thời xử lý.