Bình Định: Bảo vệ tài nguyên nước cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững

Vũ Thành|27/03/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, tỉnh Bình Định đã tập trung nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững.

Toàn tỉnh Bình Định còn có 164 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích 682 triệu m3, 278 đập dâng trên sông, 286 trạm bơm cấp nước cho 85% diện tích đất canh tác; 148 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất 128.058 m3/ngày đêm khai thác nguồn nước mặt từ các con sông, suối và nước ngầm, phục vụ cấp nước vùng đô thị và nông thôn.

Mặc dù đã có quy hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông trong tỉnh nhưng Bình Định thuộc khu vực thường xuyên thiếu nước về mùa khô, ngập lụt về mùa mưa; tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền làm thiếu hụt nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng… Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường nói chung, quản lý tài nguyên nước nói riêng được tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện.

bao-ve-tai-nguyen-nuoc.png
Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) là công trình có nhiệm vụ đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái hạ lưu sông Côn

Ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), cho biết: Ngoài các hoạt động truyền thông thường niên trong các đợt cao điểm như hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22.3, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới 5.6, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (ngày 1 - 8.6)…, ngành TN&MT còn tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động truyền thông lồng ghép, hội thảo, mít tinh, thi vẽ tranh, thi ảnh, thi viết về các dòng sông trên địa bàn tỉnh, viết về bảo vệ môi trường… nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương cùng người dân, chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Sau nhiều năm tập trung truyền thông như vậy, nhiều trường học trong tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của học sinh về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước. Ông Phạm Quang Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Tín (huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Sáng thứ Hai hằng tuần trong buổi chào cờ, nhà trường thường dành thời gian để nói về một chủ đề, thông điệp. Trong đó các thông điệp về bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ cao, cùng với đó chúng tôi còn tổ chức một số hoạt động ngoại khóa để các em tìm hiểu về các dòng sông ở địa phương để viết bài tham gia dự thi viết về lịch sử, giá trị của các dòng sông. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của nguồn tài nguyên nước trong cuộc sống”.

Các hoạt động thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy sông, suối, kênh mương… thường xuyên được các địa phương, nhất là Đoàn thanh niên tổ chức cũng góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của tài nguyên nước. Bạn Phan Nữ Yến Chi, đoàn viên phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với cuộc sống của chúng ta. Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước do Đoàn thanh niên tổ chức cũng là cách tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN và người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước tiết kiệm…”.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bảo vệ tài nguyên nước, theo ông Võ Minh Đức, ngành TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt; phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục sông, suối, hồ chứa không được san lấp; danh mục bản đồ vùng hạn chế khai thác nước trên địa bàn tỉnh… nhằm khai thác nước tiết kiệm, hiệu quả, cũng như giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này gắn với phát triển KT-XH hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Bảo vệ tài nguyên nước cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững