XEM VIDEO:Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương xả nước thải gây ô nhiễm, người dân kêu cứu
Nhiều vi phạm nhưng không bị xử phạt
Trong kết luận kiểm tra số 4397/KL – STNMT ngày 09/9/2019 của Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương về công tác bảo vệ môi trường của Bệnh viện đa khoa tỉnh cho thấy, bệnh viện đã vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên, thay vì phải ra quyết định xử phạt, sở TNMT tỉnh đã không làm hết trách nhiệm dẫn đến quá thời hiệu xử phạt. Điều này, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, hoài nghi phải chăng bệnh viện đa khoa tỉnh quá được ưu ái, nên không bị xử lý?.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương bắt đầu hoạt động tại số 5 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một từ năm 1990 trên tổng diện tích 67.481,3 m2. Hiện bệnh viện có 07 phòng chuyên môn và 1 bộ phận y tế với tổng số y bác sỹ và nhân viên là 1.205 người, có 32 khoa lâm sàng và cận lâm sàng để hoạt động khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú với quy mô 1.500 giường.
Kết luận thanh tra của sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Bện viện đa khoa tỉnh, nhưng không hiểu có “bàn tay” to lớn nào đạo diễn, che chở cho Bệnh viện này thoát được án phạt hàng trăm triệu đồng?
Cũng trong kết luận, đoàn kiểm tra đã chỉ ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương: Bệnh viện chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho việc tăng quy mô giường bệnh từ 1.000 giường lên 1.500 giường và đầu tư xây dựng mới khu điều trị khoa sản quy mô 300 giường; thực hiện không đúng Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt khi thu gom nước mưa chung với nước thải sau xử lý; chưa chi trả phí dịch vụ đấu nối và xử lý nước thải; thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa đầy đủ theo quy định; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa hoàn chỉnh; Thải mùi hôi thối từ khu vực lưu giữ chất thải ra môi trường xung quanh.
Nước chảy xối xả từ trong bệnh viện qua bờ tường ra khu dân cư sủi bọt trắng xoá, gây ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân
Với những vi phạm nghiêm trọng này, theo quy định bệnh viện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, xét thấy hành vi chưa được phê duyệt ĐTM cho việc tăng quy mô giường bệnh từ 1.000 lên 1.500 giường và xây dựng mới khu điều trị khoa sản 300 giường đã quá thời hiệu lực. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường không xử phạt vi phạm của Bệnh viện mà chỉ yêu cầu khắc phục. Thời hạn thực hiện các yêu cầu trên là 02 tháng kể từ ngày Bệnh viện nhận kết luận kiểm tra. Sau khi hoàn thành, bệnh viện phải có văn bản báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xem xét. Hết thời hạn này, nếu Bệnh viện không có văn bản báo cáo hoặc vẫn chưa thực hiện thì Sở TNMT sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương bị tố cáo xả nước thải ô nhiễm ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân
Có thể nói, với rất nhiều vi phạm về môi trường, việc xử lý vi phạm của sở TNMT đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cũng chỉ dừng lại ở mức độc nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, trong khi đó việc tăng quy mô giường bệnh từ 1.000 giường lên 1.500 giường và đầu tư xây dựng mới khu điều trị khoa sản quy mô 300 giườngkhông có báo cáo ĐTM là vi phạm nghiêm trọng nhưng sở TNMT vẫn cố tình bỏ qua.
Từ khi dự án nâng cấp bệnh viện Đa khoa, lãnh đạo sở TNMT tỉnh Bình Dương có biết? Sở TNMT đã làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường hay chưa? Có hay không lãnh đạo sở TNMT đang cố tình “ngó lơ” trong việc thực hiện kiểm tra, quản lý, giám sát đối với Bệnh viện đa khoa và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh? Những câu hỏi này, kính đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo kiểm tra và có thông tin tới tòa soạn để trả lời dư luận.
Lãnh đạo bệnh viện thừa nhận sai phạm
Làm việc với PV Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn, ông Văn Quang Tân – Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đã thừa nhận, việc bệnh viện tăng quy mô giường bệnh từ 1.000 giường lên 1.500 giường và đầu tư xây dựng mới khu điều trị khoa sản quy mô 300 giường không có báo cáo ĐTM là sai. Mặc dù, xây dựng trong khuôn viên của Bệnh viện nhưng những sai phạm này không chỉ có bệnh viện mà trách nhiệm chính thuộc về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, vì Ban Quản lý dự án là chủ đầu tư, bệnh viện sẽ nhận bàn giao để hoạt động khám chữa bệnh sau khi dự án này được xây dựng hoản chỉnh và khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng đến nay chưa bàn giao cho bệnh viện. Vì đến nay dự án này đang bị các cơ quan chức năng yêu cầu ngừng hoạt động.
Đối với việc xả nước thải hôi tanh ra ngoài môi trường của bệnh viện, ông Văn Quang Tân – Giám đốc lý giải: Việc nước thải phát sinh từ hoạt động của bệnh viện được thu gom về công trình xử lý nước thải cục bộ, xử lý sau đó đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của Chi nhánh xử lý nước thải TP. Thủ Dầu Một. Về phản ánh của người dân việc bệnh viện đục tường để cho nước thải chảy ra môi trường là đúng sự thật, nguyên nhân là do đường ống dẫn nước thải sau xử lý của Bệnh viện đấu nối vào hệ thống thu gom tập trung bị bể, dẫn đến nước thải từ hệ thống thoát nước thải chung chảy ngược vào đường ống của Bệnh viện và tràn ra mặt đường giao thông bên ngoài bệnh viện ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Đến ngày 23/10/2019, Bệnh viện đã khắc phục sự cố trên và bịt các lỗ đến nay không còn rò rỉ ra bên ngoài.
Với lý giải của ông Tân, dư luận có quyền đặt câu hỏi, nước thải như ông nói là sự cố xả ra môi trường có được bệnh viện thu hồi lại hay không? và nước thải bốc mùi hôi tanh của bệnh viện xả ra, có phải là nước thải sau xử lý? và bệnh viện đa khoa tỉnh có bị lãnh đạo tỉnh Bình Dương ra Qsuyết định xử phạt nghiêm theo quy định?
Trách nhiệm lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường đến đâu?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.
Hải Phong – Đan Lê