Thủ đô Jakarta có kế hoạch làm mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm không khí tại thành phố mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận là một trong những nơi ô nhiễm nhất Đông Nam Á từ năm 2015-2016.
Ngoài yếu tố khói bụi và khí thải phát ra từ hoạt động của người dân, mưa ít cũng khiến bụi lưu lại trong không khí lâu hơn.
Tuy nhiên, nhà vận động thuộc Greenpeace Indonesia, ông Bondan Andriyanu cho rằng làm mưa nhân tạo sẽ không hiệu quả, thay vì thế, thành phố nên tập trung vào việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Theo ông, việc làm sạch không khí bằng mưa nhân tạo chỉ là giải pháp tạm thời vì các nguồn gây ô nhiễm vẫn còn. Hơn nữa, không thể làm mưa kéo dài cả ngày được.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Jakarta ở mức báo động.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT), ông Hammam Riza cho biết có thể thay đổi thời tiết để giúp thành phố giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo ông, kế hoạch này cũng đã được Thống đốc Jakarta Anies Baswedan phê duyệt và sẽ được thực hiện trong tháng này.
Dự đoán trong vòng ba tháng tới, điều kiện không khí của Jakarta sẽ ngày một xấu đi và bước vào thời kỳ El Nino, nghĩa là lượng mưa ở các khu vực có xu hướng giảm và hạn hán gia tăng.
Hiện nay, thủ đô Jakarta là thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Ngọc Linh (t/h)