Báo động tình trạng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra

Khánh Ly|27/02/2023 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới trong năm nay, làm thiệt mạng hàng nghìn người và hàng triệu người khác phải di dời.

Ông Michael Dunford, Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận. 

thoi-tiet-cuc-doan.jpg
Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua. Ảnh minh họa 

Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng sẽ kém hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi. 

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 11/2022, 1 nhóm gồm 16 tổ chức quốc tế cho hay, thiệt hại lớn về mùa màng và thu nhập do hạn hán nghiêm trọng gây ra trong 2 năm qua đã khiến hàng triệu người ở Somalia, Kenya và Ethiopia rơi vào khủng hoảng. 

Hơn 3 triệu người tại các nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Điều này nghĩa là họ thường xuyên nhịn ăn trong ngày và phải bán tài sản của mình để tồn tại. Tại Somalia, hạn hán đã khiến hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ đồng ruộng của họ để chuyển đến các địa điểm sơ tán. 

Tương tự, đợt nắng nóng trong mùa đông đã phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ trên khắp châu Âu ngay từ những ngày đầu năm. Các quốc gia Châu Âu ghi nhận những ngày nóng nhất trong lịch sử có Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Belarus, Latvia và Litva. Nhiệt độ cũng tăng cao kỷ lục ở Pháp, Đức và Ukraine. 

Theo Guillaume Séchet, Nhà khí tượng học ở Pháp, Châu Âu đã trải qua một trong những ngày có khí hậu khó tin nhất trong lịch sử vào ngày đầu tiên của năm 2023. Trong đó, nước Mỹ đang trải qua hai trạng thái thời tiết trái ngược nhau, trong khi hơn 20 bang hứng chịu bão tuyết lớn, một số khu vực ở miền Nam ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục vào mùa đông. 

Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) đã ban bố cảnh báo bão tuyết tại vùng núi ở phía Nam bang California, miền Tây nước Mỹ. Tuyết rơi dày tới 2,1m, bao phủ các ngọn đồi xung quanh Los Angeles. Hiện tượng thời tiết cực đoan này đã khiến hơn 7 nghìn chuyến bay trên khắp nước Mỹ bị hoãn hoặc hủy. 

bao_tuyyet_o_my_noqz.jpg
Băng tuyết bao phủ nhiều khu vực ở Mỹ.

Trái ngược với bối cảnh băng tuyết bao phủ nhiều khu vực ở Mỹ, các khu vực miền Nam lại đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Nền nhiệt ghi nhận tại một số thành phố ở các bang như Kentucky và Tennessee trong ngày 22/2 đã xô đổ các kỷ lục đã tồn tại trong hơn một thế kỷ. Nhiệt độ tại thủ đô Washington cũng lên tới mức 27,2 độ C trong ngày 23/2, phá vỡ kỷ lục ghi nhận năm 1874. 

Italy cũng đang phải đối mặt với nguy cơ của đợt hạn hán nghiêm trọng, sau một mùa đông ít mưa và tuyết. Các khu vực rộng lớn của sông Po, con sông dài nhất Italy, cung cấp nước cho một số vùng miền Bắc và Trung, đã bị khô hạn. 

Thời tiết ấm áp và lượng tuyết rơi ít đã buộc một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở phía Bắc dãy núi Alps và Pyrenees thuộc Pháp phải đóng cửa. Sân trượt băng ngoài trời lớn nhất thế giới Rideau Canal Skateway, đặt tại Ottawa (Canada) được dự đoán không thể hoạt động vào mùa đông 2023 vì thiếu băng. 

Theo hãng AP, năm 2023 có thể được dự đoán là có nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn và các nhà khí tượng học cho rằng một phần nguyên nhân là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Chính vì thế, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (The United Nations Climate Change Conference of the Parties - COP26) được kỳ vọng đạt bước tiến cho quy định mua bán phát thải carbon và tương lai thoát ly than đá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động tình trạng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.