Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến Đức thiệt hại 145 tỷ euro (146,5 tỷ USD) kể từ năm 2000. Đây là kết quả nghiên cứu do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (BMWK) của Đức công bố ngày 18/7.
Theo nghiên cứu, phần lớn trong số tiền trên, khoảng 80 tỷ euro, là thiệt hại trong 4 năm qua, một nửa trong đó là thiệt hại do trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra hồi tháng 7/2021 phá hủy hầu hết các làng mạc và khiến 186 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck cho rằng “khủng hoảng khí hậu đang leo thang trên toàn thế giới", nhấn mạnh hạn hán, cháy rừng đang xảy ra ở Nam Âu, lũ lụt ở Australia, Madagascar và Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke nhận định, nghiên cứu của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu là một "tín hiệu báo động" cho thấy cần phải ngăn chặn khủng hoảng để tránh những thiệt hại nặng nề hơn nữa trên toàn cầu và nền kinh tế Đức.
Tuần trước, Chính phủ Đức đã đưa ra các biện pháp cụ thể để đạt mục tiêu quốc gia giảm 65% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 1990. Để đối phó với tình trạng khan hiếm khí đốt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, Đức đã quyết định tái khởi động một số nhà máy nhiệt điện than để bảo đảm nguồn cung cấp điện.
Tuy nhiên, tại Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin do Đức và Ai Cập đồng chủ trì diễn ra ngày 18/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đây là một biện pháp khẩn cấp ngắn hạn sẽ không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này. Ông Scholz cũng nhắc lại cam kết của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các nước nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Đức tuyên bố đóng góp 6 tỷ euro chậm nhất vào năm 2025.