Bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững ở Phú Thọ

Minh Trang|18/12/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý hiếm; lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, với sự đa dạng về địa hình, địa chất đã tạo cho Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn sự đa dạng về các hệ sinh thái, thảm thực vật, mang lại cảnh quan tự nhiên đặc trưng đối với hệ thực vật nơi đây.

Trên địa bàn tỉnh công tác bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị của tài nguyên thiên nhiên được các địa phương quan tâm thực hiện.

Ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, để bảo vệ cánh rừng lim 10ha với trên 300 gốc lim cổ quý hiếm, Hạt Kiểm lâm huyện cùng chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý kịp thời nếu có vụ việc mua bán, khai thác, vận chuyển trái phép từ rừng, đặc biệt là rừng lim cổ.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh trồng cây, trồng rừng để bảo tồn ĐDSH. Hàng năm, từ tỉnh đến địa phương đã tổ chức thực hiện Chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các ngành chuyên môn, địa phương cùng thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trồng các loại cây, nuôi vật nuôi bản địa đặc hữu, động vật hoang dã, góp phần bảo tồn các nguồn gen quý hiếm.

Như vậy, ĐDSH có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì sự sống của con người, nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp các nguồn nhiên liệu, dược liệu...

da-ang-sinh-hoc.jpg
Kiểm tra, bảo tồn, phát triển cây lim cổ ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của ĐDSH, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Thực hiện Luật ĐDSH và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan triển khai phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ĐDSH nói riêng, nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH nói chung cho các đối tượng quản lý cấp huyện, xã, cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ĐDSH trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư nguồn lực thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về bảo tồn ĐDSH.

Tỉnh đã xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn, góp phần định hướng, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhờ đó, đến nay trên địa bàn đã xác định được nguồn gen các giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm để có giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát triển phù hợp, giảm thiểu các mối đe dọa đến ĐDSH, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ĐDSH, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, khu vực ĐDSH cao, hành lang ĐDSH và các khu vực chưa đủ điều kiện thành lập khu bảo tồn; phát triển, mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên; hưởng ứng triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về trồng một tỉ cây xanh, đồng thời chú trọng công tác giám sát, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn được xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1623/QĐ-TTg, ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trên cơ sở đó đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về ĐDSH; chủ động nắm chắc tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến ĐDSH trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; huy động súc mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân ở cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan trong bảo vệ ĐDSH, đồng thời nâng cao năng lực phục vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan trong bảo vệ ĐDSH.

Ông Phạm Văn Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chấp hành các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐDSH; hướng dẫn, kiểm tra việc bảo tồn ĐDSH ở cơ sở. Triển khai thực hiện phương án bảo tồn thiên nhiên và đánh giá các hệ sinh thái, loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y tại cơ sở chăn nuôi, kinh doanh động vật hoang dã. Triển khai ký cam kết việc mua, bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các mẫu vật hoang dã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ rừng, các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài xâm hại ra môi trường tự nhiên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững ở Phú Thọ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.