Việt Nam thúc đẩy hành động bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học

Minh Lâm|16/12/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam là nơi có nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao như các vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái tự nhiên...

Tại hội thảo tham vấn “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECM tại Việt Nam” do Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức vào ngày 15/12, đã chia sẻ về tiềm năng, định hướng phát triển, tiêu chí và quy trình xác định, kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành các biện pháp bảo tồn giúp Chính phủ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý mở rộng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên trong tương lai.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế đã và đang hướng tới tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học dựa trên các khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (Other Effective area-based Conservation Measures - OECM). Lộ trình mở rộng diện tích OECM cho thấy hướng đi rõ ràng nhằm thực hiện cam kết đối với Công ước về đa dạng sinh học (CBD) của Liên hợp quốc mà Việt Nam là một trong 168 bên tham gia.

bao-ton-da-dang-sinh-hoc.jpg
Ảnh minh họa.

OECM là một khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là Khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học tại chỗ. OECM có các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương. Trong khi quốc tế đã công nhận khái niệm OECM, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECM như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho biết: Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal kêu gọi thế giới đạt được mục tiêu đến năm 2030, 30% diện tích đất liền và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECM - hay còn được biết đến là mục tiêu 30x30. Đây cũng là một trong những ưu tiên Chiến lược đa dạng sinh học của Việt Nam.

Việt Nam là nơi có nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao như các vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái tự nhiên... Các khu vực này có cơ hội để công nhận là các OECM.

Với vai trò là cơ quan giúp chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đồng thời là cơ quan đầu mối quốc gia của Công ước Đa dạng sinh học, trong thời gian qua, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tham mưu xây dựng và trình ban hành, góp phần kiện toàn hành lang pháp lý về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tài bày tỏ mong muốn các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện các sáng kiến để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, cũng như thúc đẩy triển khai OECM trên toàn quốc nhằm góp phần đạt được mục tiêu 30x30 nói riêng và mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu nói chung,

Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) Việt Nam cho rằng: "Dựa trên kết quả của một nghiên cứu mà GIZ Việt Nam đã phối hợp tiến hành cùng với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Bộ NNPTNT đã xác định được 9 hạng mục các khu vực là OECM tiềm năng.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực này và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể. Với việc công nhận các OECMs, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước Đa dạng sinh học của LHQ và thực hiện Mục tiêu 30x30 tại Việt Nam".

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã, WWF-Việt Nam - cho rằng: “Việc thực hiện OECM tại Việt Nam cần được tiếp cận một cách toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương.

WWF mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm một vài mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, đóng góp cho việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách cho các OECMs của Việt Nam trong những năm tới”.

Bài liên quan
  • Quảng Bình: Người dân tự nguyện bàn giao cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm
    Sau khi tiếp nhận 1 cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm do một người dân tự nguyện giao nộp, Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để cứu hộ, phục hồi các tập tính tự nhiên trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thúc đẩy hành động bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học