Biến đổi khí hậu thúc đẩy thiên tai ngày càng nguy hiểm hơn
Cháy rừng nghiêm trọng tại Los Angeles đã đặt ra bài toán cấp bách về phòng cháy và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Năm 2024 đã được công bố là năm nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ toàn cầu và đại dương tăng cao bất thường.
Các nhà khoa học cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng chết người, lũ lụt, cháy rừng và bão là hệ quả từ sự nóng lên toàn cầu. Cảnh báo rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thảm họa như lũ lụt, bão, cháy rừng... xuất phát từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Theo tờ New York Times, những trận "bão lửa" tàn phá Los Angeles - thành phố lớn thứ hai của nước Mỹ - là minh chứng cho thấy thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường hơn.
Ngoài ra, vụ cháy rừng ở nam California diễn ra vào tháng 1 - thời điểm đáng lẽ là mùa mưa là điều vô cùng bất thường, bên cạnh đó là các cơn bão Helene và Milton càn quét hồi tháng 10,...
Các đám cháy đang hoành hành ở Los Angeles là một trong những vụ cháy tàn khốc nhất lịch sử xứ cờ hoa. Hãng dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather thậm chí ước tính tổn thất kinh tế 135-150 tỷ USD và khả năng là vụ cháy rừng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dự báo được công ty môi giới bảo hiểm Aon PLC và công ty dịch vụ tài chính Moody's ủng hộ. Đến tuần này, vụ cháy vẫn tiếp tục diễn ra.
California vốn không xa lạ với các vụ cháy rừng lớn nhưng nó thường diễn ra vào mùa hè, giai đoạn tháng 6 đến tháng 8. Trong 423 vụ cháy rừng quy mô lớn (diện tích từ 39 km2) ở bang này từ năm 1984, chỉ có 4 vụ xảy ra vào mùa đông.
Jennifer Balch, nhà khoa học về cháy rừng của Đại học Colorado, cho biết vụ cháy xuất hiện vào mùa đông là một mâu thuẫn đáng chú ý. "Bởi vì mùa này nhiệt độ giảm và có mưa", bà nói. Vấn đề là mùa đông năm nay không có mưa.
Trung tâm thành phố Los Angeles chỉ ghi nhận lượng mưa 0,3 inch từ tháng 5. Một phần ba bang California, chủ yếu ở các khu vực phía nam xung quanh Los Angeles, đang hạn hán. "Có rất ít mưa và thông thường đây là thời điểm Nam California sẽ có lượng mưa cần thiết cho cả năm", nhà khí tượng học Jonathan Porter giải thích.
Trước đó, California đã hạn hán gần thập kỷ, cho đến mùa đông năm 2022-2023. Sau đó, bang này có hai năm mưa liên tục, giúp thảm thực vật phát triển mạnh trước khi khô hạn trở lại. "Thảm thực vật xanh tươi trở lại sau nhiều năm. Và khi thời tiết khô hạn vài tháng qua, chúng khô héo và dễ bén lửa", Porter nói.
Hạn hán bất thường trong mùa đông kết hợp với gió Santa Ana thường thổi qua bang này từ tháng 9 đến tháng 5 hàng năm để thổi bùng các đám cháy. Được gọi là "gió quỷ", Santa Ana mang khí nóng và khô từ các sa mạc Utah và Nevada đến.
Các nhà khoa học cho rằng cháy rừng ở Los Angeles đã bị thúc đẩy bởi nhiều yếu tố liên quan đến thời tiết và ngày càng phổ biến khi Trái đất nóng lên.
Hiện tại, giữa lúc thông thường là mùa mưa, Los Angeles lại đang phải đối mặt với hạn hán, nhiệt độ trong khu vực cũng cao hơn bình thường. Kết quả là cây cỏ mọc um tùm vào năm ngoái bị khô héo, trở thành củi khô sẵn sàng bắt lửa.
Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và khô hạn, mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu, đã tạo thành "điều kiện lý tưởng" dẫn đến cháy.
Nhà khoa học khí hậu Park Williams từ Đại học California cho biết, cháy rừng vào mùa đông ở nam California đòi hỏi nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan diễn ra cùng lúc. Nếu nhiệt độ càng cao thì các đám cháy sẽ càng dữ dội.
Một yếu tố khác là gió Santa Ana mạnh, thổi từ Utah và Nevada về phía tây, mặc dù không thể liên kết trực tiếp với biến đổi khí hậu, đã góp phần khiến cháy rừng lan rộng với sức gió lên tới 160km/h, tương đương với một cơn bão cấp 2.
Theo Tiến sĩ Douglas Kelley - nhà khoa học cháy rừng cấp cao tại Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, khi nào lượng khí thải nhà kính còn tiếp tục tăng thì nguy cơ xảy ra cháy rừng nghiêm trọng sẽ vẫn gia tăng.
Ông cũng nhấn mạnh rằng xã hội con người không chỉ phải cắt giảm phát thải mà còn phải thích ứng với những rủi ro cháy rừng đang thay đổi.
Rừng là thành phần thiết yếu của trái đất, nó sản sinh ra oxy và hấp thụ khí cacbonic. Trong thời gian qua, cháy rừng diễn biến phức tạp và có khả năng lan rộng do biến đổi khí hậu, phá rừng và quản lý đất kém hiệu quả. Những vụ cháy rừng gây ra những hệ lụy như:
Mất mát đa dạng sinh học: Cháy rừng làm mất mát đáng kể các loài thực vật và động vật, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của khu vực.
Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa các chất độc hại như khí CO2, CO, và các hợp chất hữu cơ không dễ bay hơi, gây ra ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mất mát đất và đất phù sa: Cháy rừng cũng có thể gây ra mất mát đất và đất phù sa do sự xói mòn, làm giảm tính chất đất và ảnh hưởng đến sự trồng trọt và sản xuất nông nghiệp sau này.
Tác động đến hệ thống thủy văn: Cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, ảnh hưởng đến các hệ thống thủy văn và cung cấp nước.
Mất mát hệ sinh thái: Cháy rừng làm mất mát môi trường sống của nhiều loài động vật và cắt đứt các chuỗi thức ăn và mối liên kết trong hệ sinh thái.