Bình Định: Phát triển Quy Nhơn thành đô thị biển khác biệt

Minh Thư|17/10/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết sẽ tập trung phát triển phố biển Quy Nhơn thành một đô thị khác biệt, trong đó ưu tiên bờ biển thông thoáng dành cho cộng đồng.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đã có quy hoạch định hướng phát triển Quy Nhơn thành một đô thị khác biệt.

Ông Dũng cho rằng ven biển Quy Nhơn chỉ có vài công trình cao tầng tạo điểm nhấn, còn lại toàn bộ không gian Quy Nhơn đều hướng biển, khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng, chứ không xây dựng dày đặc như một số đô thị biển khác trong khu vực.

Quy Nhơn cũng giữ lại những di sản kiến trúc như văn hóa Chăm (tháp Chăm, gốm Chăm, thương cảng), làng biển cổ Nhơn Lý, đô thị Nước Mặn, nhà thờ Làng Sông…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho hay tương lai đô thị Quy Nhơn sẽ dịch chuyển về phía bắc nên tỉnh vừa tổ chức thi ý tưởng quốc tế về quy hoạch phát triển đô thị đôi bờ đầm Thị Nại. Riêng Khu kinh tế Nhơn Hội thì tỉnh đã chuyển dịch mục tiêu từ khu kinh tế công nghiệp nặng như đóng tàu, lọc hóa dầu sang chỉ phát triển dịch vụ và du lịch.

“Đặc biệt, Bình Định dốc sức để phát triển khu đô thị khoa học Quy Hòa, một khu đô thị độc đáo ở Đông Nam Á khi không chỉ là điểm đến của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới, mà còn là nơi khám phá khoa học thiên văn – vũ trụ cho mọi người dân, đồng thời là công viên phần mềm đẳng cấp ở Việt Nam” – ông Dũng nói.

Ảnh: Zingnews

Cây xanh tỏa bóng mát dọc bên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Theo ông Lê Đăng Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, địa phương tập trung chỉnh trang lại phố biển Quy Nhơn, trong đó ưu tiên mở rộng bờ biển, di dời các công trình khách sạn, nhà hàng vào phía trong.

“Chúng tôi đang lập phương án giải tỏa những khách sạn bên bờ biển như nhà khách Bình Dương, khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu, nhằm mở ra nhiều không gian xanh, thông thoáng cho phố biển Quy Nhơn”, ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định, nếu không kiểm soát tốt không gian kiến trúc cho biển Quy Nhơn thì dễ mắc sai lầm sau này khó thể sửa được. Bình Định có hướng đi riêng là tạo ra không gian xanh, mềm mại, thông thoáng cho đô thị biển. Nhà nước chấp nhận mất rất nhiều đất, để tạo ra bản sắc riêng cho vùng đất nơi đây.

Hàng nghìn mét vuông “đất vàng” bên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) được Bình Định làm công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định được xem là điểm nhấn kiến trúc của phố biển Quy Nhơn. Công trình này do kiến trúc sư Jean Francois Milou và các cộng sự ở Studio Milou (Pháp và Singapore) thiết kế kết hợp cảnh quan hài hòa giữa phố và vườn đồi. Trung tâm này là nơi diễn ra các hội thảo, hội nghị có sức chức cùng lúc hơn 1.000 người và các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng của người dân và du khách.

Tượng đài cha con Bác Hồ: Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành (chất liệu đồng), cao 15,5 m ở Quảng trường trung tâm TP Quy Nhơn. Đây là điểm tham quan văn hóa, lịch sử hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến với đô thị biển nơi đây.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung cưỡi ngựa giơ cao thanh kiếm phía trước Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Bình Định cũng là điểm nhấn du lịch ở TP Quy Nhơn. Tượng đài gợi nhớ về vị anh hùng dân tộc áo vải cờ đào, thần tốc “bách chiến, bách thắng”, là biểu tượng của hào khí Tây Sơn.

Từ nay đến năm 2025, Bình Định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách. Tỉnh này đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá và kết nối du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch, nhất là các khu vui chơi – giải trí quy mô lớn, hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, nhất là du lịch gắn với biển đảo…

Minh Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Phát triển Quy Nhơn thành đô thị biển khác biệt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.