Bình Định thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão

Vũ Thành|25/10/2023 08:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tại một số địa phương, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ và chỉ đạo kịp thời đảm bảo an toàn cho người dân.

Tăng cường phòng chống sạt lở

Sáng ngày 23/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra khu vực Núi Cấm, thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát và tình hình xây dựng khu tái định cư (TĐC) di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở Núi Cấm.

img_5359.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu DN hợp tác với ngành chức năng và chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống sạt lở núi Hòn Chà

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Phù Cát, đến nay địa phương đã thực hiện xong hạng mục chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực Núi Cấm. Hạng mục xây dựng khu TĐC vẫn còn dở dang, nên chưa thể di dời người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở Núi Nấm đến để xây nhà ở, do vướng quy trình thủ tục cấp mỏ đất phục vụ san nền xây dựng khu TĐC. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Phù Cát đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, điểm đến, lương thực, thực phẩm sẵn sàng di dời 117 hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở Núi Cấm đến nơi an toàn. Cùng với đó, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án khu TĐC, để sớm bố trí đất ở lâu dài cho dân. 

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện Phù Cát phải xem việc đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng nhất. Trước mắt, địa phương phải theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông báo cho bà con biết để chủ động ứng phó; đồng thời xây dựng phương án di dời dân cụ thể, sát với thực tế. UBND huyện Phù Cát cần đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, không để dự án khu TĐC chậm trễ hơn nữa. 

Ðồng chí Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh, những hộ dân sinh sống ở vùng bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời đến nơi an toàn và đôn đốc các địa phương thực hiện. Sau khi di dời đến nơi an toàn thì quản lý đất, không để bà con quay lại cư trú tại những khu vực đã thu hồi đất. Toàn bộ các khu vực bị sạt lở trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực Núi Cấm, đều phải đưa vào trồng rừng phòng hộ và quản lý tốt. 

Chiều cùng ngày, khi kiểm tra khu vực núi Hòn Chà, thuộc khu phố 5, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ lo ngại khi chứng kiến nhiều diện tích núi này bị khai thác nham nhở, đất đá có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH Xuân Nguyên nằm cách điểm có nguy cơ sạt lở khoảng 20 m. Trường hợp mưa lớn, nước mang theo đất đá sẽ đổ dồn xuống nhà máy của DN này. 

Theo Sở TN&MT và UBND TP Quy Nhơn, điểm sạt lở nói trên nằm ở khu vực núi Hòn Chà có diện tích 9.714 m2, trước đây UBND tỉnh có chủ trương cho Công ty TNHH Xuân Nguyên thuê để mở rộng Nhà máy chế biến đá granite, sau đó tỉnh thu hồi vì quá trình thực hiện việc khai thác tận thu đá để mở rộng mặt bằng ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân trong khu vực. Phía DN không đồng tình với quyết định của tỉnh và đang khiếu kiện. Thời gian qua, tình trạng khai thác đá trái phép ở khu vực nói trên vẫn diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Xuân Nguyên không hợp tác ngăn chặn tình trạng nói trên.

Kiểm tra thực tế và trao đổi với đại diện Công ty TNHH Xuân Nguyên cùng các ngành chức năng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định:  UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nhưng DN cũng phải thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước; khai thác tận thu khoáng sản đúng trữ lượng đã được cấp phép, đảm bảo môi trường, an toàn cho cả DN và người dân; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Tỉnh chưa bàn đến việc DN đúng hay sai, nhưng nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão là rất cao, vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cả DN và người dân, trước hết DN phải hợp tác với ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống sạt lở đất đá tại khu vực nói trên. Sở TN&MT, UBND TP Quy Nhơn xây dựng phương án phòng chống sạt lở, đồng thời phối hợp với cơ quan CA tăng cường kiểm tra, giám sát, không để bất cứ DN nào khai thác đá trái phép ở khu vực núi Hòn Chà, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép, gây sạt lở thì Sở TN&MT và UBND TP Quy Nhơn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

img_5360.jpeg
Khu vực núi Hòn Chà có nguy cao sạt lở cao nằm gần Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH Xuân Nguyên

Khơi thông dòng chảy, phòng chống ngập úng

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đi kiểm tra công tác PCTT tại huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh và TX An Nhơn. 

Hiện nay, khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do gió bão, áp thấp nhiệt đới tại huyện Vân Canh là 7 xã, thị trấn. Một số khu vực thuộc xã Canh Vinh, xã Canh Hiển và những vùng thấp dọc sông Hà Thanh có khả năng ngập nặng nếu xảy ra mưa lớn; các địa bàn dân cư sẽ bị chia cắt khi có lũ lớn là: Thôn Bình Long, Tăng Hòa, An Long 1, xóm Hội Sơn thôn Tăng Lợi (xã Canh Vinh); thôn Thanh Minh, Chánh Hiển (xã Canh Hiển). Lũ có nguy cơ gây xói lở, sạt đất mạnh, ách tắc giao thông ở tuyến đường liên xã Canh Thuận - Canh Liên, các tuyến đường từ UBND xã Canh Liên đến các làng trong xã và đường từ Đa Lộc (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đi làng Canh Giao (xã Canh Hiệp). Trên địa bàn huyện có công trình hồ Suối Cầu (xã Canh Hiển) đang xuống cấp, mặt đập bị hư hỏng, sạt lở mái thượng lưu, hạ lưu; mái thượng lưu cắt đứng; thấm nặng dọc chân đập.

Kiểm tra thực địa tại khu vực ven sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển và Canh Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chỉ đạo lãnh đạo UBND huyện Vân Canh phối hợp cùng các sở, ngành khẩn trương triển khai phương tiện khơi thông dòng chảy, có phương án xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập nặng và di dời người dân khi mưa lớn xảy ra. Đối với các điểm có nguy cơ sạt lở tại khu vực xã Canh Liên, Canh Thuận, do chưa có điều kiện khắc phục, đồng chí Lâm Hải Giang yêu cầu chính quyền địa phương chủ động nắm bắt thông tin dự báo thời tiết để kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra công trình xây dựng 2 cây cầu trên tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân ngang qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), đồng chí Lâm Hải Giang yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ ngay các cầu công vụ, thanh thải dòng chảy, di dời máy móc thiết bị để tránh tắc nghẽn gây ngập úng. Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước cần sớm nạo vét, khơi thông dòng chảy gần hiện trường thi công; vận động 13 hộ dân ở gần khu vực xây cầu đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra…

Tại TX An Nhơn, theo đánh giá của chính quyền địa phương, 15/15 xã, phường trên địa bàn bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu gây mưa sau bão, áp thấp nhiệt đới. Khu vực trọng điểm bão mạnh, siêu bão bắt đầu từ các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An và phường Nhơn Thành. 15/15 xã, phường với 108 thôn, khu vực trên địa bàn thị xã luôn xảy ra tình trạng ngập lụt. Sông Gò Chàm (thôn Tân Dân, xã Nhơn An) đoạn từ đập bờ Đậu đến cầu Phú Đa và đoạn từ cầu Phú Đa đến giáp bờ tràn xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, dòng chảy bị thu hẹp, khiến khu vực có nguy cơ cao bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra. 

Tuy nhiên, nhìn nhận tình hình trong vòng 2 - 3 năm tới, ngân sách của tỉnh chưa thể đầu tư xây dựng kè dọc tuyến sông này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các đơn vị liên quan và chính quyền thị xã tập trung khơi thông dòng chảy, di dời vật cản và đưa ra các phương án xử lý trước mắt để giảm thiểu nguy cơ ngập trong khu vực khi mưa lớn.

img_5361.jpeg
Các phương tiện đang nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển (huyện Vân Canh)

Khẩn trương hoàn thành các trình phòng chống lũ

Theo báo cáo, đến thời điểm này, huyện Phù Mỹ đã xây dựng và phê duyệt phương án PCTT-TKCN chặt chẽ, triển khai đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Huyện cũng đã kiểm tra, đánh giá an toàn hồ đập theo quy định; chuẩn bị lưc lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Toàn huyện có 247 điểm sơ tán với sức chứa hơn 41.700 người đến trú tránh an toàn khi có mưa bão, lũ lụt, triều cường dâng cao gây sóng lớn. 

Các địa phương cũng đã xây dựng và tổ chức phương án ứng phó thiên tai, hạn chế tích nước sau mùa mưa lũ năm 2023 đối với 7 hồ chứa xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Đối với hệ thống đê, kè sông, suối, huyện đã triển khai phát dọn, gia cố, khắc phục những vị trí hư hỏng; các đập dâng trên sông, suối đã được tháo mở cửa đập đảm bảo thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ. Huyện cũng hỗ trợ bao cát và giao các xã gia cố tạm thời vùng sạt lở bờ biển thôn 9 (xã Mỹ Thắng) và thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức). Công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng nuôi trồng thủy sản cũng được lên phương án triển khai chặt chẽ.

Riêng đối với các dự án, công trình đang triển khai thi công trên địa bàn huyện Phù Mỹ, như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn huyện; tuyến đường kết nối tỉnh lộ 638 đến tỉnh lộ 639 (đường ven biển)… đã được huyện phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đảm bảo tiêu thoát lũ, thông thoáng dòng chảy nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp kiểm tra tại các công trình đang thi công, gồm: Cầu Song Phi (xã Mỹ Thành) kết nối tuyến tỉnh lộ 638 đến tỉnh lộ 639, đập ngăn mặn An Mỹ (xã Mỹ Cát), cầu Bờ Mun (xã Mỹ Chánh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu UBND huyện Phù Mỹ cùng các địa phương của huyện tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm về công tác PCTT-TKCN theo phương án, cũng như chỉ đạo của tỉnh và Trung ương. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác để nhân dân nắm bắt, chủ động phòng tránh; tiếp tục kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều và có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết. Đối với các công trình, dự án đang thi công, phải đẩy nhanh tiến độ vượt lũ, phòng chống sạt lở, thanh thải dòng chảy để bảo vệ công trình, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.