Bình Phước: Không để tình huống bất ngờ khi mưa lũ

Hiền Thục (T/h)|10/08/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước diễn biến phức tạp, khó lường về thiên tai, bão lũ, tỉnh Bình Phước đã có những kế hoạch cụ thể nhằm chủ động đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 72 công trình thủy lợi, trong đó có 64 hồ chứa, 6 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sau thủy điện Cần Đơn. Các công trình thủy lợi này đảm bảo tưới tiêu cho 11.368 ha cây trồng; tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 102.952m3/ngày đêm.

Trong số 72 công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 55 công trình, 8 công trình do doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quản lý khai thác, 8 công trình do UBND các xã quản lý và khai thác. Mới đây, qua 2 đợt kiểm tra cho thấy, cơ bản các công trình được quản lý, khai thác theo quy định, đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, một số hạng mục công trình cần tiếp tục giám sát việc đảm bảo việc điều tiết trong phòng lũ cho hạ du và tích nước phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp. Một số nơi lòng hồ có nhiều bè cỏ nổi, trước ngưỡng đập tràn xả lũ đất bồi lắng; nhiều cỏ cây, cống lấy nước bị rò rỉ, mặt đập kết hợp giao thông xuống cấp, xói lở, nhà quản lý bị xuống cấp, hư hỏng, lòng kênh bồi lắng…

Ngoài ra, một số công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp cần sớm được sửa chữa, nâng cấp như hồ Bàu Úm, Suối Lai (huyện Hớn Quản); hồ Thọ Sơn, Sơn Phú, Đa Bo và hồ Ông Thoại (huyện Bù Đăng); hồ Bình Hà 1, Bàu Sen (huyện Bù Gia Mập)…

Lực lượng cứu hộ cứu nạn tại huyện biên giới Bù Đốp giúp người dân dựng lại các trụ tiêu sau cơn lốc xoáy

Chủ động trước mọi tình huống khi mưa lũ xảy ra

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của vùng hạ du, các công ty quản lý vận hành các hồ chứa đã thực hiện nghiêm công tác phối hợp với chính quyền địa phương, tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Việc cảnh báo khi xả lũ và vận hành nhà máy được thực hiện bằng cách thông tin đến các cấp chính quyền địa phương và người dân bằng văn bản thông qua máy Fax, Email, điện thoại, hệ thống âm thanh tần cao.

Trong trường hợp xả lũ để bảo vệ đập, việc sơ tán dân đã được các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án khẩn cấp chi tiết từng tình huống để báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT – CHCN tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân có liên quan tổ chức di dời dân an toàn ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện tại 100% đơn vị cấp xã đã có đầy đủ lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với gần 10.000 người. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có danh sách về các khu vực trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất, khu vực lân cận đập thủy điện… Từ đó đưa ra các tình huống, phương án xử lý cụ thể, sát từng khu vực với phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương. Ban Chỉ huy PCTT-CNCH tỉnh Bình Phước đã phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện đến cấp xã; 10 lớp tập huấn tại cộng đồng khu dân cư thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt đến người dân bằng nhiều hình thức…

Hiền Thục (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Phước: Không để tình huống bất ngờ khi mưa lũ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.