Bộ trưởng Bộ NN và PTNT: Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội

Hà Lan|01/12/2021 10:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 30/11 đã diễn ra Diễn đàn “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu kết luận: “Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững hơn và tăng cường nỗ lực cả về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Đó là nhấn mạnh của Tư lệnh ngành Nông nghiệp tại cuộc Đối thoại chính sách cấp cao về Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày hôm nay (30/11).

Đổi mới tư duy

Phát biểu tại đối thoại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu.

“Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực.

Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm.

Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Để chuyển mình thay đổi, ngành Nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

“Với ‘Tư duy đổi mới’ và ‘Cùng hành động’, tôi tin rằng khát vọng của ngành Nông nghiệp sẽ trở thành hiện thực. Để không chỉ là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành ‘thước đo mức độ bền vững của quốc gia'”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, qua 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp của tỉnh đã được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỉ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thời gian qua, với sự tài trợ của các đối tác quốc tế, tỉnh Đồng Tháp đã tham gia nhiều dự án xây dựng những mô hình nông nghiệp và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người nông dân; phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng trong đất; tạo ra nông sản sạch, giá trị cao.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp xanh, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển bền vững gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; sử dụng bền vững nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo phương châm thuận theo tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống; sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động linh hoạt thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu như một nguồn tài nguyên để phát triển.

Đồng thời, Đồng Tháp cũng xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp xanh và hiện đại. Điều đó được cụ thể hóa thông qua việc phát triển thích ứng đa ngành; điều phối liên kết vùng, liên kết ngành phù hợp với năng lực và sự mong muốn của người dân; nâng cao năng lực hoạt động của HTX, tổ hợp tác, các hội quán để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp “thuận thiên”.

“Đồng Tháp đề xuất Ngân hàng Thế giới và Bộ NN-PTNT hỗ trợ địa phương để có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ sản xuất nông nghiệp ‘thuận thiên’, nông nghiệp xanh trong thời gian tới”, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.

Đánh giá cao những giải pháp của Việt Nam, ông Steven Jaffee, Chuyên gia cao cấp WB, cho rằng Việt Nam cần có nền tảng kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy sự tham gia của người nông dân vào công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại diện WB đề xuất: “Để làm được điều đó, thứ nhất, Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu…

Thứ hai, cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự hấp dẫn trong đầu tư. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng nhiều hơn những mô hình bền vững, chuyển đổi xanh để người nông dân thấy được những lợi ích.

Thứ ba, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia, khu vực khác”.

GS. Ji Huan nhất trí với nội dung của các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ về mặt chính trị, lồng ghép, thể hiện ở trong các chương trình xanh hóa. Các cam kết cần phân bố được nguồn lực, nguồn tài chính để triển khai được chương trình.

“Cơ chế khuyến khích đối với ưu đãi người nông dân vô cùng quan trọng, đây là chỉ số quan trọng để đảm bảo thúc đẩy sự tham gia, áp dụng đổi mới”, GS Huan phân tích. “Sau đó là các hoạt động theo dõi, giám sát để xem xét về hiệu quả áp dụng và giá trị đạt được. Ngoài ra, cũng cần xem xét việc chuyển dịch xanh hóa đã mang lại lợi ích gì và đóng góp gì vào GDP”.

Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội

Kết luận phiên Đối thoại, vị Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định: “Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ sẽ giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ quan trong Bộ để thực hiện từng bước. “Từng cơ quan trong Bộ như Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản… những cơ quan liên quan đến nông nghiệp xanh cần có những bước đi cụ thể, những gạch đầu dòng để bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tọa đàm Chuyển đổi sang hệ thống lượng thực thực phẩm xanh, phát thải thấp tập trung vào hai điểm chính đó là chuyển đổi xanh là việc làm cấp thiết và “lời nói đi đôi với hành động”. Có thể thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu.

Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ các sự kiện khí hậu đáng kể cũng như suy thoái trong lâu dài về biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi ước tính, giải quyết mà không có hành động cụ thể có thể gây thiệt hại khoảng 3-5 tỷ mỗi năm hoặc lên tới 10 tỷ nếu biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan”, Giám đốc WB tại Việt Nam thông tin. “Một số vùng ở Việt Nam như ĐBSCL dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới”.

Một số vùng ở Việt Nam như ĐBSCL dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất
lúa gạo trong vòng 30 năm tới.

Ông Martien Van Nieuwkoop, Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu, chia sẻ thông điệp quan trọng đầu tiên: Hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đi cùng với những cơ hội còn lớn hơn.

Các quốc gia đều đã có cam kết về mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cần tiếp tục duy trì trong chương trình nghị sự hết sức tham vọng này để giảm phát thải khí nhà kính và giảm lượng khí carbon tương đương trong nông nghiệp.

Từ đó, xây dựng một thị trường đảm bảo khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, đem lại giá trị thiết thực, vượt qua thách thức, chớp lấy cơ hội, hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu sẽ phải thực hiện những chuyển dịch mang tính căn bản.

Chúng ta cần xem xét các lựa chọn khác nhau để có thể có những chuyển đổi mang tính lý tưởng, ưu tiên an toàn thực phẩm và các giá trị đóng góp về chất lượng chứ không chỉ cân nhắc về giá cả.

Cần sắp xếp đầu tư vào quá trình thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu của toàn hệ thống nông nghiệp, giảm phát thải để Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong Chương trình Nghị sự Toàn cầu.

Về các chiến lược cần thực hiện tại Việt Nam, ông Martien Van Nieuwkoop cho rằng cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp.

Hơn nữa, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, lí giải tại sao giá trị gia tăng thấp. Theo đó, để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp.

Có một điều rõ ràng rằng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn dọc theo chuỗi giá trị. Cần thực hiện các quy trình và giải pháp một cách khôn ngoan để đảm bảo sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng.

Đề cập đến những hỗ trợ của WB, ông Martien Van Nieuwkoop chia sẻ rằng WB sẽ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời hướng tới an ninh lương thực toàn cầu như một ưu tiên cấp bách.

WB rất khuyến khích chính phủ Việt Nam hướng tới đầu tư công vào hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải. WB và Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành phố đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai. Cụ thể: cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị; tìm hiểu các cơ chế tiếp cận tài chính carbon…

Hà Lan

Bài liên quan
  • 35 quốc gia cam kết cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030
    Moitruong.net.vn – 35 nước tham gia một thỏa thuận do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu dẫn đầu nhằm hạn chế phát thải khí metan. Cam kết được thông báo chính thức dự kiến ​​diễn ra vào những ngày đầu của hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) tại Glasgow.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT: Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội