Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xây dựng mục tiêu vì sự thịnh vượng của nhân dân ĐBSCL

Theo Monre|26/09/2017 21:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu tại Cần Thơ ngày 26/09, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp và trả lời phỏng vấn của báo chí.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với Biến đổi khí hậu tại Cần Thơ ngày 26/09

Thưa Bộ trưởng, từ trước đến nay, chúng ta có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về các vấn đề Biến đổi khí hậu của đồng bằng sông Cửu Long, xin ông cho biết những điểm đặc biệt của hội nghị lần này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước các tác động. Quá trình phát triển, vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và tâm huyết của nhiều đồng chí lãnh đạo các thời kỳ.

Trước đây, tư duy nhận thức trong quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long không còn phù hợp ở thời điểm phát triển hiện nay của đất nước.

Đồng thời, với những sự tác động hết sức phức tạp của biến đổi khí hậu cũng như sự tác động của vấn đề khai thác nguồn nước đầu nguồn đã đặt ra cho chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ các giá trị những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây, cũng như toàn bộ hệ thống chính sách trong toàn bộ thời gian vừa qua chúng ta triển khai, nhìn lại những kết quả đã đạt được, những sáng tạo, những kinh nghiệm cần tổng kết

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ tập trung vào giải quyết một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách đặt ra cho từng lĩnh vực, từng địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể, hệ thống.

Với những điều kiện như vậy, đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.

Kinh nghiệm từ triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi trong mô hình này sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng đối với các vùng kinh tế sinh thái trong cả nước; đóng góp kinh nghiệm cho khu vực và toàn cầu.

Thưa Bộ trưởng cho biết, trong phiên khai mạc toàn thể sáng nay và các phiên chuyên đề đang tiếp tục trong ngày 26/09, xin Bộ trưởng cho biết quy mô và những kết quả dự kiến mà hội nghị đạt được?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 600 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong thời gian diễn ra hội nghị ngày thứ nhất, diễn ra 3 phiên song song để các đại biểu thảo luận nhận diện được thách thức, cơ hội, dự báo các xu thế tác động đến vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động từ nội tại, của biến đổi khí hậu và từ bên ngoài làm cơ sở quy hoạch tổng thể, định hình mô hình phát triển bền vững; giải pháp chuyển đổi bền vững, phát triển kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai và sạt lở; cơ chế điều phối vùng và huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển.

Nhóm chuyên đề thứ nhất chúng ta sẽ xem xét lại toàn bộ đánh giá và nhận thức đúng đắn về những tiềm năng tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long, của lưu vực sống MeKong. Chúng ta sẽ xem xét những đặc điểm tự nhiên đó để hiểu rõ những quy luật tự nhiên, quá trình phát triển để thấy được quá trình phát triển và những tồn tại đang diễn ra như sự tác động của thượng nguồn, của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, chúng ta sẽ phải xem xét lại những hệ thống, chủ trương chính sách của chúng ta từ trước đến nay để chúng ta tiếp tục kế thừa những chính sách phù hợp và đồng thời phát hiện hiện ra những vấn đề tồn tại để sửa đổi và cùng với đó là đưa ra những cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để định hướng cho các ngành, các lĩnh vực, tập trung vào các giải pháp về chính sách, công trình, chiến lược quy hoạch để tạo ra một sự chuyển đổi toàn diện lâu dài đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Nhóm chuyên đề thứ hai do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chủ trì, hội nghị sẽ bàn về những giải pháp cụ thể, đưa ra những giải pháp có tính chiến lược nhưng đi vào những nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp… và từ đó có cái nhìn tổng thể để tìm ra những phương hướng, giải pháp kết hợp, kết nối, liên kết các lĩnh vực để có sự kết hợp bài bản, lâu dài.

Nhóm chuyên đề thứ ba do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chúng ta sẽ đưa ra những cơ sở quan trọng, cùng nhau xây dựng một quy hoạch tổng thể, trong đó lấy tài nguyên nước làm trung tâm để đảm bảo quản lý về mặt rủi ro về tài nguyên nước cũng như là tận dụng khai thác nguồn lợi tài nguyên nước và từ đó đưa ra khả năng cung ứng để định hướng phát triển xã hội để từ đó tạo ra sự hài hoà giữa các hoạt động nhân sinh, con người, với các hoạt động tự nhiên.

Đây chính là mục đích cuối cùng tạo ra sự chuyển đổi lớn, chuyển đổi để đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển lâu dài và mang tính bền vững và tập trung vào mục tiêu cao cả nhất đó là chất lượng sự thịnh vượng của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, đó là mục tiêu mà chính phủ đặt ra.

Vì vậy, có thể nói đây là Hội nghị huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho quyết sách lớn của Chính phủ đối với phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Việc huy động trí tuệ và kinh nghiệm được thực hiện ngay từ quá trình chuẩn bị với nhiều đề xuất, sáng kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển trong quá trình chuẩn bị nội dung cho Hội nghị.

Thưa Bộ trưởng, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ phát huy trách nhiệm như thế nào với các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ quan tâm tới các lĩnh vực mà Bộ hiện đang quản lý. Trong đó, tài nguyên nước đóng vai trò trung tâm trong việc em xét tương tác các biến đổi khí hậu thượng nguồn và xem xét các các góc độ rủi ro do thiên tai nên việc quy hoạch tài nguyên nước cần phải tiếp cận tổng thể, trong đó sẽ chú ý đến vấn đề chất lượng và số lượng.

Từ vấn đề tài nguyên nước, sẽ xem xét các vấn đề cung ứng và quản lý tài nguyên nước để tạo ra sự thay đổi đối với vấn đề khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa đất và nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để có kế hoạch công tác bảo vệ tài nguyên đất, nước, công tác bảo tồn nguồn sinh thái để bảo vệ, gìn giữ cho đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, phải định hướng các ngành kinh tế, các ngành khai thác của vùng phải đảm bảo thân thiên với môi trường và đặc biệt là chú trọng đến các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là quản lý chặt chẽ tới các nguồn thải. Đối với các nguồn thải rắn ở đây, chúng ta phải tính đến phương án tái chế, tái sử dụng và biến chúng thành tài nguyên.

Vấn đề môi trường cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm mà chúng ta cần phải quan tâm và bên cạnh đó với tư cách là cơ quan thường trực Uỷ ban biến đổi khí hậu, Bộ sẽ tư vấn Chính phủ tổ chức các Hội nghị có quy mô như ngày hôm nay để có sự đồng thuận chung của các Bộ, ngành, vùng, các đơn vị, sẽ cùng với nhau xây dựng các cơ chế chính sách đảm bảo tính kết nối vùng, liên kết các lĩnh vực, để tập trung huy động các nguồn lực kinh tế trong nước, quốc tế và cả khối tư nhân để tập trung đầu tư vào những công việc hết sức quan trọng có tính lan toả như xem xét các vấn đề đa mục tiêu trong việc phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng, nông nghiệp…

Đồng thời, cũng đưa ra những định hướng, mục tiêu để các ngành, các lĩnh vực, các vùng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đối với môi trường và khai thác hợp lý đối với tài nguyên thiên nhiên để đảm hiệu quả phép tính đầu tư, bền vững lâu dài.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xây dựng mục tiêu vì sự thịnh vượng của nhân dân ĐBSCL
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.