Được biết, tình trạng cá chết trên kênh bắt đầu xuất hiện từ sáng 3/4, lúc đầu chỉ lác đã vài chục con. Nhưng sau 3 trận mưa lớn vào sáng và trưa 4/4, xác cá đã nổi kín mặt nước tại các khu bến thuyền, chân cầu dọc theo kênh; trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 7-8, dài khoảng 2,5 km với ước tính hàng tấn cá chết.
Nhận được tin, Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lập tức cử các nhóm công nhân vệ sinh cùng các phương tiện chuyên dụng đến thực hiện thu gom xác cá để nhanh chóng mang đi tiêu hủy.
Cá chết nổi trắng mặt kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng cá chết tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè xảy ra từ nhiều năm nay, nghiêm trọng nhất là giữa năm 2016 khi có đến 75 tấn cá chết. Ngoài nguyên nhân về thời tiết và ô nhiễm, một lý do khác là cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hầu hết là cá phóng sinh hoặc được thả nuôi như cá trê, rô phi…, không phải cá tự nhiên nên khả năng thích nghi thấp; khi xảy ra xáo trộn môi trường sẽ không đủ sức chống chọi.
Công nhân vệ sinh thu gom xác cá. Ảnh: H.G.
Cùng với đó, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có lượng bùn lớn, trong bùn này có chứa nhiều khí độc. Trong quá trình dòng nước lưu chuyển, nếu có sự thay đổi đột ngột như mưa lớn khiến bùn bị xới lên, khí độc này sẽ thoát ra khiến cá bị thiếu oxy và chết.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp giảm đàn cá, nạo vét lòng kênh… nhưng tình trạng cá chết vẫn chưa cải thiện đáng kể. Sở khuyến cáo người dân nên hạn chế phóng sinh cá ồ ạt xuống kênh mỗi dịp lễ, Tết để bảo đảm số lượng cá cân bằng.
Minh Hoàng