Cà Mau: Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt

Minh Châu|02/04/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cà Mau khẩn trương nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với mùa khô 2020 – 2021.

Cà Mau là một trong những tỉnh của ĐBSCL chịu tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Mùa khô 2019 – 2020, Cà Mau xảy ra 1 đợt hạn hán, 21 cơn bão cùng với 5 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đã tác động không nhỏ đến đời sản xuất của người dân nơi đây. Qua đó, đã làm hư hỏng 58 tàu cá, thiệt hại gần 64.000 ha lúa, hơn 800 ha hoa màu, 400 cây ăn quả, 21.000 ha nuôi trồng thủy sản, với tổng thiệt hại 1.110 tỷ đồng.

Tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, địa phương nằm trong vùng ngọt hóa Tiểu vùng III – Bắc Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng hơn 44 ngàn ha, nông nghiệp chủ yếu vẫn là trồng lúa và mô hình tôm – lúa kết hợp. Giữa mùa khô năm 2020, huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại năng nhất, liên tiếp xảy ra các vụ sụt lún đường giao thông, với tổng chiều dài gần 43km, với hơn 1.000 vị trí sạt lở.

Ông Sử Văn Minh, người dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết: Mùa khô năm 2019-2020, tình hình hạn mặn gây ảnh hưởng rất lớn đến vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Nhất là đối với các công trình giao thông, hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, cũng như sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Do ảnh hưởng của hạn mặn, tình hình sụt lún đã gây cản trở giao thông rất lớn trên địa bàn. Về sản xuất, do mùa khô đến sớm và kéo dài trên 8 tháng, sản xuất của người dân gặp hết sức khó khăn, nhất là sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Chuẩn bị bước vào mùa khô 2021, để chủ động ứng phó với thiên tai, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các cống. Đến nay, 17 trong tổng số 18 cống bị xói đáy đã được xử lý.

Ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: Hiện nay UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm bơm theo các cống từ tuyến Tắt Thủ – Sông Đốc để đảm bảo điều tiết nước, phục vụ vụ lúa hè thu trong năm 2021 cũng như trong dài hạn.

Đồng thời, huyện cũng phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai các dự án nạo vét kênh mương phục vụ cho chống tràn, điều tiết nước, sẵn sàng cho sản xuất năm 2021; phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở NN-PTNT tiến hành rà soát, khẩn trương hoàn thành quy hoạch sản xuất trên địa bàn huyện sớm nhất để triển khai ứng phó với hạn mặn.

Mùa khô năm 2019 – 2020, vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt

Sẵn sàng cho mùa khô năm 2021, ngành chức năng tỉnh Cà Mau triển khai nhiều biện pháp vừa ứng phó, vừa sống chung với hạn mặn lâu dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Công điện số 369, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Đài Khí tượng Thủy văn Cà Mau theo dõi, dự báo, kịp thời cung cấp các bản tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn đến các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn vùng ngọt hóa và thiếu nước sinh hoạt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá, dự báo tình hình thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa; qua đó xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực cụ thể; ưu tiên nhiệm vụ cấp nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa, đảm bảo nước cho phòng cháy, chửa cháy rừng.

Kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân biết, chủ động có giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương rà soát, điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước ngọt, do độ mặn tăng cao; đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt thủy sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô sắp tới.

Khẩn trương rà soát, phân loại các công trình cấp nước sạch nông thôn theo từng khu vực để tổng hợp, báo cáo đề xuất biện pháp sửa chữa, nâng cấp đối với các công trình xuống cấp, hư hỏng, để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Chỉ đạo các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 – 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long; phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh và kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau năm 2021.

Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra địa bàn, khu vực được phân công phụ trách, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo hướng dẫn địa phương, người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời.

UBND các huyện, thành phố Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo triển khai ngay các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương; xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong mùa khô năm 2020 – 2021, qua đó có giải pháp chỉ đạo thực hiện quyết liệt để giảm tối đa các thiệt hại.

Tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung; có phương án vận chuyển, hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân nơi không có nguồn nước ngầm, nơi có nguồn nước mặt bị khô cạn, nhiễm mặn, phèn, các cụm đảo… vào cao điểm mùa khô năm 2020 – 2021, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã; thường xuyên tổ chức kiểm tra, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình,… qua đó, dự báo các tình huống có thể xảy ra, có giải pháp phù hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng phó.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cà Mau: Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.