Y tế

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Thu Phương 02/10/2024 09:30

Khi thời tiết giao mùa, tay chân miệng là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và có nguy cơ gây biến chứng cao ở trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng là gì ?

t1.jpg
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan ở trẻ nhỏ

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Bé mắc bệnh tay chân miệng thường xuất hiện những triệu chứng sau:

Sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Từ đó dẫn đến đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

t2.jpg
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là sốt cao mệt mỏi

Phát ban dạng phỏng nước: Ban thường trổ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Trẻ có thể lui bệnh và hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày. Trường hợp không được điều trị kịp thời sẽ xuất hiện biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn... nguy hiểm đến tính mạng.

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 8-10 ngày khi được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Dưới đây là một số lưu ý về cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách bố mẹ nên biết:

Thứ nhất, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Sốt do tay chân miệng kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói hay tình trạng đau khi nuốt do các vết loét trong miệng khiến trẻ lười uống nước, cơ thể mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm do mất nước gây ra. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường.

t3.jpg
Bổ sung đủ nước cho trẻ mỗi ngày khi trẻ mắc tay chân miệng

Thứ hai, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và các loại thuốc hạ sốt, giảm đau phù hợp với thể trạng sức khỏe của trẻ. Paracetamol 10-15mg/kg/lần là loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ bị tay chân miệng. Lưu ý, thuốc không được dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi và không dùng quá 5 lần/ngày. Mỗi liều dùng cách nhau khoảng 4-6 giờ.

Thứ ba, cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý, tắm rửa, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày và chăm sóc các tổn thương ngoài da bằng các dung dịch sát khuẩn nhằm tránh bội nhiễm khi các nốt mụn nước bị vỡ.

Thứ tư, cách ly trẻ mắc bệnh với bạn bè và những người thân khác trong gia đình nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Khi vào thăm, chăm sóc cho trẻ, bố mẹ cần đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn cẩn thận sau đó.

Các vật dụng cá nhân: quần áo, tã lót, bình sữa, ly uống nước, chén ăn,… nên được vệ sinh riêng và sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch chuyên dụng.

t4.jpeg
Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học vào bữa ăn của trẻ

Thứ năm, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho trẻ mỗi ngày. Mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn mềm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa, dễ nuốt. Bên cạnh đó, mẹ chú ý không nên cho trẻ ăn các loại trái cây gây ảnh hưởng đến nốt mụn nước, thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chế biến sẵn,….

Lưu ý, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, bố mẹ nên chú ý theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra ngay khi trẻ có các biểu hiện bất thường sau:

- Các triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày và không có dấu hiệu cải thiện.

- Trẻ sốt cao, sốt cao kéo dài, sốt cao co giật.

- Quấy khóc bất thường, khóc không ra nước mắt, môi tím tái, có dấu hiệu của mất nước.

- Có xu hướng ngủ nhiều hơn, mất nhận thức.

- Dễ giật mình, hoảng hốt.

- Tay chân run, đi loạng choạng.

- Khó thở, thở nhanh, thở nông.

- Da nổi vằn.

- Nhịp tim, huyết áp tăng nhanh.

- Nôn mửa nhiều.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng như thế nào?

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng, chủ yếu là phòng ngừa tổng quát nên phụ huynh cần lưu ý:

- Mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt khăn trải giường của trẻ

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà

- Lau sàn bằng nước xà bông

- Cách ly bệnh nhi tại nhà. Không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung... trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà