Ngành Năng lượng Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các công đoạn từ thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu… Đánh giá năng lượng vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế-xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Điện lực năm 2004, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Khoáng sản năm 2008, Luật Dầu khí số 12/2022…
Về cơ bản, ngành Năng lượng đã đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều có các bước phát triển vượt bậc, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên, đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa đủ để ngành Năng lượng vượt qua tình trạng phát triển thấp và Việt Nam cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật sao cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.
Đóng góp ý kiến vào việc tạo điều kiện để thu hút nguồn lực vào phát triển năng lượng tái tạo, tại Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Vy -Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Ngành Năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió phát triển. Công suất nguồn điện tái tạo đã chiếm 30% tổng công suất hệ thống. Xu hướng phát triển này còn đẩy nhanh hơn nữa khi Thủ tướng Chính phủ cam kết Trung hòa khí phát thải nhà kính vào năm 2050.
Theo ông Vy, để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tập trung vào 3 khía cạnh chính đặc trưng và làm nền tảng cho quá trình chuyển đồi năng lượng đến năm 2050 là: Hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Bên cạnh đó là tăng cường khả năng tự cung, tự cấp năng lượng bằng cách tối đa hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo sản xuất trong nước cũng sẽ nâng cao quyền tự chủ về cung cầu năng lượng và góp phần to lớn vào việc đảm bảo nguồn cung ổn định.
Đánh giá về việc thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vào phát triển ngành Năng lượng, ông Vy cũng cho rằng còn chưa tương xứng với tiềm năng nên cần phải nghiên cứu xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo nhằm thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo. Mặt khác, cần rà soát, điều chỉnh Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở các khung pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, Việt Nam cần điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch 2018, nhất là đối với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Quy hoạch phát triển điện hạt nhân… Sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật hiện hành theo hướng tạo dựng môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp năng lượng phát triển phù hợp với các cơ chế thị trường, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa, cổ phần hóa và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.
Đề cập về hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, TS.Phạm Cảnh Huy- Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng đã có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo để bắt kịp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Từ thực tiễn, Việt Nam cần có mục tiêu cụ thể, chính sách ổn định và dài hạn nhằm thu hút đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những chính sách quan trọng duy trì sự phát triển của thị trường điện tái tạo là cơ chế đấu giá đối với giá bán điện năng lượng tái tạo để không chỉ minh bạch hóa mà còn tạo nền móng phát triển bền vững cho thị trường năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành Luật Năng lượng tái tạo. Các quy định về khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đã được hình thành và nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, do nhiều Bộ, ngành trực tiếp soạn thảo, theo dõi. Do vậy, cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quá trình hoàn thiện pháp luật để phát triển năng lượng tái tạo, qua đó sớm cụ thể hoá chủ trương trong Nghị quyết 140/NQ-CP năm 2020 ngày 02/10/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo.
Theo TS.Phạm Cảnh Huy, cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án để có thể điều chỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như khuyến khích phát triển các công nghệ phát điện từ năng lượng tái tạo. Hơn nữa, cơ chế phải kiểm soát được sự phát triển tại từng khu vực, từng vùng, miền theo từng giai đoạn. Tránh việc chỉ tập trung tại các vị trí thuận lợi cho việc kết nối lưới. Điều này có thể dẫn đến việc không đảm bảo tối ưu, không sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến độ tin cậy của lưới điện như đã xảy ra trong thời gian qua.
Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp kích thích lợi ích kinh tế, đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa năng lượng tái tạo và năng lượng sơ cấp là điều kiện cho năng lượng tái tạo được phát triển.
TS.Phạm Cảnh Huy cũng đề nghị sớm cụ thể hoá để triển khai việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo đối với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu tích hợp Quỹ bảo vệ môi trường và Quỹ phát triển năng lượng bền vững, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách để tạo nguồn và sử dụng quỹ này để hỗ trợ, trợ cấp cho dự án phát điện từ năng lượng tái tạo.
Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách. Cần có những quy định cụ thể trong đánh giá việc thực hiện chính sách, các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý đối với phát triển năng lượng tái tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định: Phát triển năng lượng là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và các lĩnh vực. Nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá về việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như Nghị quyết 41 và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển năng lượng và một số nội dung trọng tâm khác.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi, trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã cơ bản thể chế hóa các nội dung các Nghị quyết của Đảng và của Bộ Chính trị. Bước đầu, chúng ta đã hình thành được hệ thống chính sách pháp luật khá đồng bộ, thống nhất và bảo đảm tính khả thi trong vấn đề phát triển năng lượng. Tuy nhiên, việc sửa đổi một luật liên quan đến phát triển năng lượng cũng nhận được những ý kiến đóng góp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế.