Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Vũ Thành|11/08/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Là địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), Ninh Thuận đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng sạch và xem đây là một trong những ngành trụ cột ưu tiên phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước.

Toàn tỉnh Ninh Thuận có 53 dự án năng lượng

Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh; đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, đã tiếp sức và là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả. Tại nghị quyết này, Chính phủ chấp thuận Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước.

Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25-01-2022 xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 239/KH-TU ngày 26-5-2020 thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết và kế hoạch này thể hiện sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh khóa XIV, với mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, nhất là NLTT, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ; đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước đã góp phần biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển, tạo nên làn sóng thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực NLTT. Nhờ phát triển NLTT đã tạo đột phá và vị thế mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp đáng kể cho phát triển KT-XH của tỉnh.

nang-luong-tai-tao.png
Tổ hợp Điện gió, điện mặt trời Trung Nam

Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 53 dự án năng lượng với tổng công suất 3.176,5 MW hòa lưới điện quốc gia, đóng góp lớn cho ngành Công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh (11 dự án điện gió với tổng công suất 574 MW; 32 dự án điện mặt trời/2.303 MW và 10 dự án thủy điện/299,5 MW).

Về công nghệ, tỉnh ưu tiên các dự án năng lượng sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tracking xoay theo hướng có bức xạ mặt trời lớn nhất, sử dụng tuabin gió công suất lớn, không sử dụng hộp số. Các dự án hòa lưới có sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.300 triệu kWh, tạo giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng, đóng góp 6,84% tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Không những thế, phát triển các dự án năng lượng đã phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đất đối với diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, không có điều kiện để phát triển nông nghiệp. Nhưng khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời cho giá trị sản xuất hằng năm 3,84 tỷ đồng/ha (sản xuất 1.920.000 kWh điện/ha). Phát triển NLTT góp phần giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, phát triển điện mặt trời mái nhà còn là hình thức sản xuất điện vừa phục vụ mục đích sản xuất, sinh hoạt, vừa tăng thêm thu nhập của người dân.

Biến những khó khăn bất lợi thành thế mạnh phát triển bền vững

Tính đến nay, Ninh Thuận có 375 MWp điện mặt trời mái nhà; lĩnh vực NLTT đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 người, chiếm 2,3% lao động đang làm việc trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột. NLTT đã tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác như: Thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ của tỉnh; góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển NLTT của cả nước, biến những khó khăn bất lợi thành lợi thế phát triển bền vững.

Bên cạnh những ưu thế, giá trị mang lại, phát triển NLTT cũng gặp không ít khó khăn do sự phát triển lưới điện có giai đoạn không theo kịp tốc độ phát triển các dự án điện; tình trạng điện mặt trời mái nhà kết hợp làm trang trại phát triển nhanh cũng làm ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải. Mặt khác, do ảnh hưởng tác động của tình hình dịch COVID-19 các nhà máy, khu công nghiệp thu hẹp sản xuất, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện giảm, dẫn đến dư thừa nguồn điện, các nhà máy điện phải tiết giảm một phần công suất phát điện.

Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển NLTT; đặc biệt trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh xác định phát triển năng lượng là ngành công nghiệp đột phá, trọng tâm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh còn gặp những khó khăn, trở ngại trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư và sự phát triển toàn diện của các dự án. Do đó tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét cập nhật, tích hợp nguồn và lưới điện tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các chính sách ưu tiên, góp phần thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh; tạo điều kiện hình thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước theo chủ trương Nghị quyết số 115 của Chính phủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo