Ngày 26/9, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè ký văn bản về việc triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường.
Theo bản tin đột xuất số 05 ngày 13/9/2024 của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, vào thời kỳ nửa cuối tháng 9/2024 , vùng Đồng bằng sông Cửu Long cảnh nguy cơ ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về.
Theo đó, mực nước tại trạm Cần Thơ vượt mức báo động (BĐ) 3 vào thời kỳ triều cường kết hợp lũ đầu nguồn tăng từ ngày 19 - 22/9/2024; đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 - 2,15m (>BĐ 3 0,05 - 0,15m). Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại TP Cần Thơ có thể lên cao hơn so với nhận định trên từ 5 - 10 cm.
Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ cũng đưa ra dự báo, từ tháng 9 - 11/2024 mực nước cao nhất trên sông Hậu và các kênh rạch trên địa bàn TP Cần Thơ ảnh hưởng bởi thủy triều kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về. Mực nước đỉnh triều cao nhất ngày trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ BĐ 3 và cao hơn BĐ 3 (2,0m) từ 20 - 30cm. Trong các đợt triều cường, mực nước lên cao gây ngập úng diện rộng tại các tuyến đường trũng thấp, ven sông của nội ô TP Cần Thơ.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của đợt triều cường cuối tháng 8, tháng 9 âm lịch gây ra, UBND TP đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ tiếp tục theo dõi, cập nhật liên tục thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn; có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều, diễn biến tình hình mưa, lũ cung cấp cho Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan thông tin đại chúng.
Công an TP tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao lộ.
Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời.
Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh như tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh trong mùa lũ.
Đặc biệt, quận Ninh Kiều tổ chức kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; khi triều xuống, nước rút, tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo cho nước rút một cách dễ dàng, nhanh nhất, không bị ứ đọng, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường.
Đối với quận, huyện còn lại, UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao, bờ bao ở các huyện đầu nguồn và các Cồn trên sông Hậu.
Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các ngành, các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão để theo dõi, nắm chắc mọi tình huống có liên quan đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn mình quản lý.