Cảnh giác bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa vào cao điểm

Minh Anh|03/09/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bên cạnh dịch COVID-19, hiện đang là mùa mưa bão cũng thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng. Do vậy, người dân không được chủ quan với bệnh sốt xuất huyết vì nếu không điều trị kịp thời, tính mạng của người bệnh có thể gặp nguy hiểm.

Sốt xuất huyết chủ yếu do vi-rút Dengue từ cơ thể loài muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) gây ra. Muỗi cái sẽ hút máu từ vật chủ nhiễm bệnh, sau đó vi-rút này có khả năng tồn tại trong cơ thể muỗi từ 8-11 ngày rồi truyền bệnh sang người khỏe mạnh qua vết đốt.

Với người mới nhiễm sốt xuất huyết, gần như không thể phát hiện ra bệnh vì không có triệu chứng đặc trưng nào, hoặc nếu có cũng rất mờ nhạt. Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài còn tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa, khả năng miễn dịch của mỗi người.

Mùa mưa dễ khiến bệnh sốt xuất huyết bùng phát do muỗi sinh sản nhiều

Trong thực tế, đã có nhiều bệnh nhân SXH vì ngại đến cơ sở y tế để khám, điều trị mà nhận hậu quả đáng tiếc. Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây cơ sở này tiếp nhận một bệnh nhân SXH là thanh niên chưa đầy 20 tuổi, bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH nhưng không vào viện điều trị do lo ngại dịch Covid-19.

Khi được đưa vào cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau đó 2 ngày do suy đa tạng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, dịch SXH có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh SXH. Yêu cầu đặt ra là giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch SXH; rà soát, bảo đảm cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXH hiệu quả, cũng chưa có thuốc hay phương pháp điều trị đặc hiệu, do đó, việc điều trị chủ yếu là theo dõi, chăm sóc và hỗ trợ chức năng cần thiết cho cơ thể. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, người dân cần thận trọng, tham vấn ý kiến chuyên gia y tế khi dùng các loại thuốc hạ sốt bởi trên thị trường có một số loại thuốc có tác dụng hạ sốt song lại có thể gây hại cho bệnh nhân SXH. Người dân tuyệt đối không lạm dụng thuốc hạ sốt bởi có thể gây ngộ độc, tổn thương gan.

Bên cạnh việc giữ vệ sinh môi trường sống, có thể sử dụng thêm các sản phẩm chống muỗi dạng xịt phun sương hoặc dạng kem với thành phần an toàn để bảo vệ da mọi lúc mọi nơi. Sốt xuất huyết là bệnh có thể chủ động phòng tránh, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn nhiều biến động, càng không thể để tình hình “dịch chồng dịch” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nhà. Hãy chung tay phòng ngừa muỗi vì một cộng đồng không còn sốt xuất huyết.

Minh Anh 

Bài liên quan
  • Hoàn thành cầu cạn vành đai 3 vào cuối tháng 9/2020
    Moitruong.net.vn – Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cam kết sẽ hoàn thành dự án xây dựng cầu cạn vành đai 3, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội) đúng tiến độ vào tháng 9-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa vào cao điểm