Cảnh giác với cháy nổ khi đốt vàng mã dịp rằm tháng 7

Hoàng Thơ|16/08/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vào rằm tháng 7, quan niệm "trần sao âm vậy" khiến cho việc đốt vàng mã trở nên biến tướng, thái quá gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường.

dot-4.png
Có hàng chục nghìn tấn vàng mã được đốt vào rằm tháng 7.

Nguy cơ cháy nổ dịp rằm tháng 7 hiện hữu ở khắp mọi nơi

Rằm tháng 7 còn được biết đến với tên gọi là lễ Vu Lan hay lễ Xá tội vong nhân. Đây là dịp quan trọng để thế hệ sau bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành và ông bà tổ tiên.

Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người cho rằng, đốt càng nhiều tiền vàng mã, xe cộ, nhà cửa… thì càng thành tâm với người đã khuất. Vì vậy, có hàng chục nghìn tấn vàng mã được đốt vào thời gian này.

Tại những khu tập thể cũ ở Hà Nội, ngõ nhỏ, dây điện chằng chịt, diện tích nhỏ hẹp đã khiến người dân phải loay hoay tìm chỗ đốt vàng mã. Rơi vào thế "khó" thì vỉa hè, lòng đường, thậm chí là góc ban công, hành lang hay gầm cầu thang cũng được tận dụng làm nơi hóa vàng. Cứ thế, tàn tro vẫn còn đỏ rực bay khắp nơi, khói bụi nghi ngút.

dot-5-2-.jpg
Một trường hợp đốt vàng mã tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 4 của khu tập thể bị xử phạt.

Điển hình, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 31/5, bà L.T.T.H. (trú tại khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) đốt vàng mã tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 4 của khu tập thể. Khói và tàn tro bay khắp nơi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân lân cận và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Bà H. có hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm (cầu thang bộ thoát nạn của khu tập thể). Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H. Về hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm, mức tiền phạt 4 triệu đồng, yêu cầu bà H. cam kết không tái phạm.

Nguy cơ hỏa hoạn không chỉ tiềm ẩn ở việc hóa vàng mà còn từ thói quen thờ cúng trong ngày này. Các cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán quần áo, vải vóc là một ví dụ điển hình. Khi các ban thờ được bố trí ngay bên các chồng quần áo, vải vóc khổng lồ thì chỉ một chút lơ là, bất cẩn, nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn.

dot-2.jpg
Rơi vào thế "khó" thì vỉa hè, lòng đường, thậm chí là góc ban công, hành lang hay gầm cầu thang cũng được người dân tận dụng làm nơi hóa vàng.

Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Quan niệm "trần sao âm vậy" khiến cho việc đốt vàng mã trở nên biến tướng, thái quá, mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường. Mỗi năm, riêng tại Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã.

Công an thành phố Hà Nội thông tin, thực tế cho thấy, các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu là do đốt không đúng nơi quy định; bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương, nến dẫn đến bắt cháy. Trong quá trình hóa vàng không có người trông coi để tàn lửa lan sang vật dụng xung quanh...

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan kể cả với tàn tro vàng mã


Để toàn dân có một mùa Vu lan báo hiếu an lành - an toàn, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt khi thắp hương, đốt vàng mã. Người dân cần bố trí nơi thờ cúng hợp lý, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Đèn dầu, lư hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, đảm bảo không cháy lan khi chân hương trong lư hương cháy hoặc đèn dầu, nến bị rơi; trên bàn thờ nên bố trí ít các vật liệu dễ cháy.

dot-3.jpg
Người dân cần đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Người dân cần đốt vàng mã đúng nơi quy định; không thắp hương và đốt vàng mã tại khu vực cấm sử dụng ngọn lửa , đốt vàng mã, thắp hương tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cửa hàng xăng dầu, chợ, trung tâm thương mại…Người dân thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện tại khu vực đặt bàn thờ, kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục, trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi thờ cúng, ngắt thiết bị điện không cần thiết.

Người dân cần tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Công an, chính quyền địa phương tổ chức; chủ động trang bị tối thiểu một bình chữa cháy xách tay cho hộ gia đình, kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi xảy ra cháy, người dân nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay…, đồng thời gọi số điện thoại nóng 114, tích cực chữa cháy, cứu người bị nạn.

Tại khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng cháy, chữa cháy cho những người phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền để người dân đến cúng, viếng có ý thức chấp hành phòng cháy, chữa cháy...

Theo thống kê, tính riêng trong tháng 7 năm 2024, cả nước xảy ra hơn 300 vụ cháy. Trong đó có 5 vụ cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 37,9 tỷ đồng; 8 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm 19 người chết.

Bài liên quan
  • [VIDEO] Bài toán hạn chế cháy nổ do chập điện
    Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, trong số các vụ cháy đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân, cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất - trên 70%. Điều này cho thấy người dân còn chưa có nhận thức đầy đủ trong việc đảm bảo an toàn điện cũng như phòng cháy, chữa cháy…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cảnh giác với cháy nổ khi đốt vàng mã dịp rằm tháng 7