Để giảm tối đa số ca mắc góp phần cảnh báo nguy cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do bảo quản. Có thể nói mùa hè được coi là mùa dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (vi sinh vật, hoá chất, thực phẩm chứa chất độc tố tự nhiên). chưa được kiểm soát, số lượng bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thức ăn cũng tăng lên. Vì thế việc đảm bảo an toàn thực phẩm phòng chống các dịch bệnh mùa hè là thiết yếu và rất quan trọng.
Thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là các loại thực phẩm chín (thịt nướng, chả nướng), chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, patê…), rau sống… Có rất nhiều loại vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm trong đó phải kể đến vi khuẩn, đáng sợ nhất là vi khuẩn thương hàn, lỵ, tụ cầu vàng (tụ cầu vàng có ngoại độc tố gây ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm). Thời gian gần đây, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả, bởi tính độc và gây nguy hiểm đến tính mạng của nó gặp phải do ăn thực phẩm đóng hộp. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần có oxy) và có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh. Đây là loại độc tố mạnh nhất từng biết đến với liều lượng gây chết người (khoảng 1,2-1,3ng/kg khi tiêm và 10-13ng/kg khi hít vào). Có 7 loại độc tố botulinum chính là A, B, C, D, E, F, G. Trong đó, A và B có khả năng gây bệnh cho người, chiếm 98,7% các trường hợp.
Ảnh minh họa
Biểu hiện của ngộ độc
Người bị ngộ độc thực phẩm thường bị nôn, đi ngoài, làm người bệnh rất đau đớn, khó chịu. Nguyên nhân là do bị tụt huyếp áp, mất nước, mất muối, gây nhiễm trùng.
Người bệnh chỉ có biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (đau bụng, nôn, ỉa chảy) có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), nhiễm trùng (thường có sốt). Những biểu hiện này thường là ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do vi sinh vật.
Các biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà ở các cơ quan khác ví dụ thần kinh, tim mạch,…, thực phẩm được biết là loại không có chất độc tự nhiên nguyên nhân thường do hoá chất.
Bệnh xuất hiện sau khi ăn loại thực phẩm nhất định trong tự nhiên được biết có thể có độc tố: ví dụ sắn, măng, cá nóc, cóc,…thường do chính các loại thực phẩm này vốn có độc tố.
Ngộ độc thực phẩm trở nên nguy hiểm nếu bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hoá hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện như:
Các triệu chứng thần kinh: đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.
Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
Có máu hoặc chất nhày trong phân, đái ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.
Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý tim mạch…
Cách phòng tránh bị ngộ độc
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè khuyến cáo đến người dân những lưu ý trong việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm như sau:
Cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn, đó là: chọn các thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng; và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.
Đối với tủ lạnh, chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo, thực phẩm sống để cùng với thức ăn đã được nấu chín sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng. Nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C. Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.
Đối với cháo gà còn dư sau khi ăn, nếu để ngoài nhiệt độ thường trong thời gian lâu sau đó mới cất vào tủ lạnh cũng có thể dẫn đến các vi khuẩn có hại phát triển và/hoặc sinh ra độc tố. Đến khi hâm nóng lại, nếu thời gian hâm nóng chưa đủ lâu để diệt vi khuẩn hoặc nếu độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt (độc tố của một số vi khuẩn không bị hủy bởi nhiệt) sẽ gây ngộ độc.
Do đó để tránh bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng; không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày.
Nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm gồm
Rau xanh: Rau luộc không để dành lại qua đêm, nếu để qua đêm rau sẽ mất hết vitamin. Chỉ để rau trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, biến các nitrit thành lipit không tốt cho sức khỏe. Cho dù để trong tủ lạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài có khả năng gây ung thư.
Trứng: Tất cả các loại trứng luộc, đặc biệt là trứng lòng đào, không nên để lâu, chất béo và chất đạm có trong trứng sẽ rất dễ bị biến tính.
Nước trà xanh: Trà xanh để lâu thường xỉn màu, những loại vitamin C chống oxy hóa trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy. Nếu uống sẽ có một số vi khuẩn, vi nấm gây hại cho sức khỏe.
Các loại nấm nấu chín: Nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng, nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố.
Các món gỏi, nộm: Do không được nấu chín nên những thức ăn từ gỏi, nộm dễ xuất hiện các độc tố lạ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cá và hải sản các loại: Các loại hải sản không để qua đêm do chứa nhiều chất đạm lạ, những chất này sẽ bị biến đổi gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Canh các loại: Trong các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt…những chất này gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư…
Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống chỉ sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm là góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát như hiện nay mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Ngành Y tế. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn an toàn thực phẩm để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc hàng ngày ở các gia đình.
Minh Châu