Châu Á – Thái Bình Dương đang gồng mình trước hệ lụy của biến đổi khí hậu

Minh Trang (T/h)|31/12/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đối với hàng triệu người ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống của họ.

Điều này khiến các quốc gia trong khu vực đang phải gồng mình chống lại các hiện tượng thời tiết, thiên tai, bão lũ, triều cường. Trong khi những quốc gia phát triển xem biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhưng trong tương lai.

Khói độc hại bao trùm nhiều thành phố lớn tại châu Á, hàng trăm người chết trong những trận lở đất và lũ lụt, bão càn quét các vùng duyên hải, trong khi cháy rừng, hạn hán và những đợt nắng nóng gay gắt khiến nhiều nơi gần như cạn kiệt nước sinh hoạt. Giới khoa học cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và để lại những hậu quả khủng khiếp cho châu Á-Thái Bình Dương- khu vực chiếm 60% dân số thế giới.

Đảo quốc Tuvalu ở phía Nam Thái Bình Dương được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xếp vào dạng “cực kỳ mong manh” trước tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, người dân trên đảo quốc Samoa thậm chí trực tiếp cảm nhận những biến đổi của khí hậu. Trong năm nay, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc (IPCC) đã xác nhận mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh hơn dự báo.

Người dân Philippines oằn mình chống siêu bão Kammuri hồi đầu tháng 12. Ảnh: CNN

Kịch bản nước biển dâng cao thêm 2m vào cuối thế kỷ này sẽ khiến 187 triệu người, chủ yếu ở châu Á, rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và “nhấn chìm” một loạt thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải của Trung Quốc. Một nghiên cứu khác dự báo đến năm 2050 một số nơi ở Đông Nam Á có thể ngập trong nước. UNDP nhận định thích ứng với mực nước biển dâng sẽ là thách thức to lớn đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Khoảng 2,4 tỉ người, tức xấp xỉ phân nửa dân số châu Á, đang sống tại những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Năm 2019, lũ lụt và lở đất đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, cướp đi hàng trăm sinh mạng. Trong khi đó, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines đều phải hứng chịu những trận bão nhiệt đới và siêu bão, mà hậu quả để lại là hàng trăm người chết, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), 7/10 thảm họa gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề nhất trên toàn cầu giai đoạn 1970-2019 là các cơn bão nhiệt đới.

Trong khi khủng hoảng khí hậu đang khiến lượng mưa và mùa mưa hàng năm trở nên thất thường hơn, thì những đợt hạn hán và thiếu nước sẽ trầm trọng hơn. 5 năm qua được ghi nhận là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử, trong khi nắng nóng gay gắt sẽ nghiêm trọng đến mức một nhóm nghiên cứu tại Mỹ cho rằng một vài nơi quá nóng để con người có thể sinh sống. Chưa rõ dự báo có đúng hay không, nhưng trong năm nay người dân tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Úc đã phải vật vã với cái nóng như thiêu đốt.

2019 cũng chứng kiến thành phố lớn thứ sáu của Ấn Độ là Chennai gần như cạn nước. Cả 4 hồ chứa cung cấp nước cho gần 5 triệu công dân thành phố đã gần như hoàn toàn khô cạn. Người dân Chennai phải xếp hàng để hứng nước, còn các bệnh viện thì không có nước để thực hiện phẫu thuật hoặc vô trùng các thiết bị y tế. Trên khắp quốc gia Nam Á này, 600 triệu người đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng và dự báo cuộc khủng hoảng này sẽ còn tồi tệ hơn khi các giếng khoan có nguy cơ cạn kiệt.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan
  • Các nước châu Á tăng cường nhiều biện pháp chống ô nhiễm không khí
    Quốc hội Hàn Quốc gần đây đã thông qua tám dự luật liên quan tình trạng bụi mịn nồng độ cao trong không khí tại quốc gia Ðông Á này. Mật độ bụi mịn trung bình ở thủ đô Seoul trong tháng 3 đã chạm ngưỡng cao kỷ lục kể từ năm 2015. Trước tình hình cấp bách này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất thành lập ngân sách bổ sung nhằm đối phó bụi mịn, cũng như yêu cầu các ban, ngành xem xét việc đóng cửa những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá đã hoạt động hơn 30 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Á – Thái Bình Dương đang gồng mình trước hệ lụy của biến đổi khí hậu