Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố Chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP). Việc tham gia JETP thể hiện nhận thức mạnh mẽ của hệ thống chính trị Việt Nam về sự cần thiết phải thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước khí hậu Glasgow…
Tuy nhiên, ông Lưu Quang Tuấn Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ, trong thực tế sẽ vẫn có những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng và vận hành thị trường carbon, đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập có thể chịu tác động lớn, nên sẽ bị rủi ro không có việc làm, mất việc làm. Do vậy, đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ để họ tiếp cận được năng lượng sạch; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm thỏa đáng, việc làm xanh.
TS Chử Thị Lân, Viện Khoa học lao động và xã hội, cho hay dịch chuyển việc làm trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng có thể đòi hỏi những thay đổi đáng kể đối với các ngành năng lượng, giao thông vận tải và sản xuất, điều này có thể dẫn đến việc dịch chuyển người lao động trong các ngành đó.
Theo bà Lân, cần có chính sách đảm bảo rằng người lao động trong các ngành này được tiếp cận với đào tạo lại và hỗ trợ để chuyển sang công việc mới. Ngay cả khi việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, người lao động có thể không có kỹ năng hoặc trình độ cần thiết để đảm nhận những vị trí đó. Điều này có thể dẫn đến sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh mới nổi.