Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Tài nguyên và Môi trường

Khánh Linh|11/02/2024 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn đối với ngành Tài nguyên và Môi trường.

Cần giải quyết sự chồng chéo trong quản lý nguồn nước

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đóng góp vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng cần giải quyết sự chồng chéo trong quản lý nguồn nước như hiện nay.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, hiện nay quản lý của các bộ, ngành đối với nguồn nước là khá chồng chéo, rắc rối và không tập trung, không phân định rõ ràng. Thay vì dàn trải về cấp nước, nước nông nghiệp… thì nên tập trung quản lý nguồn nước.

nguyen-quang-huan-8963-1-4469-2-.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Hiện nay, các điều khoản về quản lý lưu vực sông ở trong Luật đang mờ nhạt, nếu tập trung vào đó, sẽ định hướng cho các luật khác, hoặc các chính sách khác để tháo gỡ nguồn lực để đầu tư bảo vệ nguồn nước. Rất rõ ràng là Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo vệ nguồn nước, Bộ Xây dựng là khai thác nước để cho nước sinh hoạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khai thác sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp. Nhưng sau này các bộ, ngành sử dụng không đúng, vi phạm các quy định bảo vệ nguồn nước thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền ngăn chặn, thực hiện chế tài. Tránh tình trạng các bộ cùng quản lý, không biết bộ nào, lại liên bộ họp với nhau rồi trình Thủ tướng quyết. Hiện nay vướng mắc nhất là cái gì cũng phải trình lên Thủ tướng, vừa gây khó khăn, vừa chậm, làm giảm tính hiệu quả. Chúng ta kỳ vọng chỉ có một luật ra đời mà giải quyết được tất cả các vấn đề sẽ hơi khó.

Thí dụ như ngăn chặn, xử lý ô nhiễm phải liên quan đến việc xử lý nước thải, mà chúng ta đang quy định giá xử lý nước thải bằng 10% nước cấp thì không có một nhà đầu tư nào đầu tư, còn nhà nước thì không thể bỏ tiền ra để đầu tư được. Trước đây chúng ta vay vốn ODA nhưng bản chất vốn ODA cũng là ngân sách nhà nước phải trả. Ví dụ như ở Israel, dùng một mét khối nước người ta phải trả 4 USD, nhưng trong số đó, chỉ có hơn 1 USD là dùng nước cấp, còn khoảng gần 3 USD để xử lý nước thải. Hay ở châu Âu, 1 mét khối nước khoảng 2 - 3 EUR, tiền nước cấp chỉ có 1 EUR. Còn ở nước ta, nước cấp khoảng 8.000 – 10.000 đồng, nước thải có 10% thì không bao giờ chúng ta có thể xử lý được vấn đề ô nhiễm nước thải. Tôi kỳ vọng có thể Luật Cấp thoát nước ra đời sẽ xử lí được vấn đề đấy, hay vấn đề ô nhiễm từ rác thải phải xử lý từ Luật Bảo vệ môi trường..., đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay.

Với 468/472 (94,74%) phiếu đồng thuận, chiều 27/11/2023, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước của Việt Nam.

Có giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Bày tỏ quan tâm tới các giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết theo báo cáo hiện lượng rác thải nhựa phát sinh hàng năm khoảng 2,9 triệu tấn và chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế. Đại biểu cho rằng thực tế hiện nay rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn lớn đối với môi trường, đặc biệt là các tỉnh ven biển.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về xử lý và hạn chế sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tạo hành lang pháp lý và thể hiện sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.

dai-bieu-quoc-hoi.jpg
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành thực hiện đúng và đủ các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường.

Xử lý ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Chất vấn tại Phiên họp ngày 06/11/2023, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

dai-bieu-quoc-hoi-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, hàng ngày tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải khoảng 450.000 – 500.000m³/ngày đêm, trong đó khu vực từ cống Xuân Thụy, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội xả thải vào đây 260.000m³/ngày đêm và hầu hết những nguồn xả thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 70%); các loại nước thải còn lại, gồm: Nước thải công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nông nghiệp, làng nghề, y tế… Phần lớn các nguồn thải từ khu đô thị, khu dân cư, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì họp và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục có những giải pháp triệt để để xử lý vấn đề ô nhiễm. Hiện nay, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an cũng đã rà soát, kiểm tra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định này. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường quan trắc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời làm việc với các địa phương để tập trung các nguồn lực xây dựng các công trình tách nước thải của đô thị và nông thôn với nước mưa trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Về thực trạng hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thường có kinh phí đầu tư lớn, nên nhiều dự án thiếu nguồn lực đầu tư. Một số địa phương (như Hà Nội) có dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nhưng tiến độ triển khai chậm. Việc thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế đầy đủ về giá, phí xử lý nước thải…

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với các lưu vực sông, bao gồm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nội dung trọng tâm sẽ giao các địa phương thực hiện các dự án đầu tư để xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cho nước thải sinh hoạt, các cụm công nghiệp, làng nghề.. đảm bảo nước thải phát sinh sau khi qua xử lý phải đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trước khi thải ra môi trường. Trước mắt bố trí nguồn vốn trung hạn 2023 - 2025 và 2026 - 2031 để đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Thứ hai là cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực về xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải và gắn vào đó là xây dựng cơ chế, chính sách gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đơn vị xả thải phải đóng góp vào công cuộc xử lý nước thải.

Thứ ba là tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo kiểm soát được lượng chất thải phát sinh. Thứ tư, tăng cường công tác quan trắc thường xuyên, quan trắc cả hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bài liên quan
  • Tết Cổ truyền - Nét đẹp văn hóa lắng đọng hồn núi sông của người Việt
    Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ diễn ra trong vài phút song với mỗi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền còn có ý nghĩa của sự đoàn viên, sum họp và gặp gỡ. Hơn thế, các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền còn hàm chứa những triết lý nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Tài nguyên và Môi trường