Các bệnh thường gặp vào mùa nóng
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết TP.HCM đang vào những ngày nắng nóng, không khí oi bức cũng như sự thay đổi đột ngột lúc mưa lúc nắng làm cơ thể chúng ta bị suy giảm sức đề kháng và đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh bùng phát.
Đối với người cao tuổi, do hệ miễn dịch và nhiều chức năng của cơ thể đã suy giảm, nhiệt độ cao, thời tiết oi bức lúc này khiến cho họ dễ bệnh hoặc có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mạn tính hiện có như tim mạch, hô hấp, rối loạn điện giải, đau nhức xương khớp…
Do thời tiết duy trì ở nhiệt độ cao, ngột ngạt, nóng bức khiến chúng ta dễ bị mất nước và đổ mồ hôi. Với những người mắc bệnh về tim mạch hay bệnh mạch vành, nắng nóng sẽ làm cho các mạch máu giãn ra, tim phải co bóp nhiều và làm việc quá sức dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thủy, nắng mưa thất thường càng khiến không khí oi bức làm cho chúng ta bị mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc gây mệt mỏi.
“Việc thường xuyên uống nước đá để giải khát, dùng máy điều hòa, dùng quạt để làm mát có thể khiến bệnh đau xương khớp, nhất là ở người cao tuổi càng tái phát nhiều hơn…”, bác sĩ Thủy lưu ý.
Không nên lạm dụng nước đá để giải khát.
Đặc biệt, nhiệt độ duy trì ở mức cao dễ khiến đồ ăn dễ hỏng do vi khuẩn phát triển nhanh. Điều này khiến chúng ta dễ mắc các bệnh như: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy,… với các biểu hiện chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, người bứt rứt, toàn thân nóng bứt, tiểu ít đậm màu,…
Sống “dưỡng sinh” trong mùa nắng nóng
Theo bác sĩ Bùi Huy Cận, Đơn vị Điều trị Ban Ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vào mùa nóng, chúng ta phải có lối sống “dưỡng sinh” để có sức khỏe tốt và phòng ngừa bệnh tật.
“Dưỡng sinh” về tinh thần
Mùa nắng nóng, trong người dễ nóng bức bất an, mệt mỏi. Do đó trước tiên, tư tưởng của bản thân cần tĩnh lại, tránh tinh thần nóng nảy.
Mấu chốt của dưỡng sinh mùa nóng là làm cho người ta “vô nộ” (không tức giận).
“Dưỡng sinh” về vận động
Mùa nóng không nên vận động quá nhiều hay quá mạnh, chỉ nên vận động vừa phải, ra ít mồ hôi là được. Tập luyện thân thể trong mùa nóng có thể lựa chọn các môn khí công hay các bài tập dưỡng sinh rất tốt.
Sáng sớm, không khí tươi mới, có thể đến vườn hoa công viên tản bộ luyện tập, hít thở khí trời. Gần tối, nếu đi bộ chậm thong thả dạo qua ven sông, bờ hồ, hít thở gió mát có thể làm tâm tĩnh, thần an.
“Dưỡng sinh” về ngủ, nghỉ ngơi
Buổi trưa nên ngủ một giấc để tinh thần không bực bội. Khi nằm nghỉ ngơi nên chọn những nơi thoáng mát nhưng tránh gió lùa cũng như tránh những nơi bức bí.
“Dưỡng sinh” về ở, trang phục
Phòng ở phải sạch sẽ, mát mẻ. Buổi tối nhiệt độ trong phòng thấp, nên mở cửa thông gió đổi khí. Buổi trưa nhiệt độ ngoài phòng cao hơn trong phòng, nên đóng cửa, kéo rèm che. Môi trường hoàn cảnh mát mẻ, làm cho người ta tâm tĩnh, thần an.
Nên mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Không nên mặc quần áo dày gây nóng bứt làm tinh thần dễ bực bội, cáu gắt.
Ăn uống để thanh nhiệt cơ thể
Theo bác sĩ Huy Cận, ẩm thực đối với “dưỡng sinh” mà nói, chính là thuận ứng thiên thời địa lợi nhân hòa, ăn uống không hợp lý dễ bị tổn thương.
Mùa nóng nhiệt độ cao, cơ thể mất nước nhiều, cần kịp thời bổ sung rau củ. Các loại củ chứa hàm lượng nước đều trên 90%. Hầu hết củ đều có tác dụng hạ huyết áp, bảo vệ thành mạch.
Ăn các loại rau tính mát. Rau củ quả trừ bí ngô thuộc tính ấm ra, các loại khác như mướp dắng, mướp hương, dưa chuột, dưa gang, dưa hấu, dưa lê, cà chua, cần tây, rau xà lách… đều thuộc tính mát.
Mùa nóng thì dịch bệnh đường ruột hay bùng phát. Ăn nhiều các loại “rau sát khuẩn”, có thể phòng ngừa bệnh tật. Loại rau này bao gồm: Tỏi, hành, hành tây, hẹ. Trong những loại rau này có chứa kháng sinh thực vật phổ rộng phong phú.
Mùa nóng nên ăn nhiều gừng một chút. Gừng là thực phẩm tính ấm, mùa nóng lỗ chân lông cơ thể khai mở ăn gừng có lợi cho bài xuất khí thấp hàn.
Minh Ngọc