Dân số Việt Nam đạt mức 104 triệu người vào 2030

Hạnh An (t/h)|28/11/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Chiến lược dân số Việt Nam, mục tiêu đầu tiên đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người.

Theo Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/11, Chính phủ đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi. Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

So với mốc 96 triệu dân của năm 2019, đến 2030, dân số Việt Nam tăng thêm 8 triệu người, tức mỗi năm tăng xấp xỉ 1 triệu người.

Chính phủ kỳ vọng, năm 2030 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao nam giới đạt 1,685 m; nữ đạt 1,575 m (năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm); chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%, tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội: 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc.

Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho công tác dân số. Thị trường bảo hiểm sẽ được tạo điều kiện phát triển với nhiều gói, phù hợp với các nhóm dân cư, đảm bảo mọi người được hưởng dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập quỹ dưỡng lão từ đóng góp của người dân, để người già sẽ được chăm sóc.

Hạnh An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân số Việt Nam đạt mức 104 triệu người vào 2030