Đảo Guam (Mỹ) bị bão tàn phá, Italy viện trợ khẩn cấp cho vùng bị lũ lụt

Hà My|26/05/2023 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều mái nhà bị thổi bay, xe ô tô và cây cối bị quật đổ, thậm chí điện và nhiều dịch vụ khác bị ngưng trệ là tình trạng mà người dân trên đảo Guam đang phải gánh chịu sau khi cơn bão Mawar đi qua.

25-my.jpg
Nhiều mái nhà bị gió thổi bay, ô tô và cây cối ở đảo Guam bị quật đổ sau khi cơn bão Mawar đi qua

Ngày 25/5, nhiều cư dân ở đảo Guam vẫn không có điện và các dịch vụ khác sau khi cơn bão Mawar càn quét vùng lãnh thổ xa xôi này của Mỹ vào đêm hôm trước. Nhiều mái nhà bị thổi bay, xe ô tô và cây cối bị quật đổ.

Khu vực trung tâm và phía Bắc của hòn đảo có mưa lớn hơn 2 feet (60 cm) khi tâm bão đi qua khiến sân bay quốc tế của hòn đảo bị ngập. Bão xoáy cùng những con sóng đã ập vào hòn đảo tàn phá những ngôi nhà ven biển. Chưa có báo cáo thiệt hại về người.

“Chúng tôi đang chứng kiến ​​một cảnh tượng đáng lo ngại trên khắp đảo Guam”, anh Landon Aydlett, một nhà khí tượng học của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết. “Hầu hết đảo Guam đang phải đối phó với một ‘mớ hỗn độn’ dự kiến sẽ mất hàng tuần để dọn dẹp”, người đàn ông này cho biết.

Là cơn bão mạnh nhất kể từ năm 2002, Mawar đã bất ngờ đổ bộ vào Căn cứ Không quân Andersen phía Bắc của hòn đảo có khoảng 150.000 dân này vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư. Ban đầu nó được dự báo là cơn bão cấp 4, các quan chức ở Trung tâm khí tượng thủy văn cho biết.

Phạm vi thiệt hại rất khó có thể xác định ngay vì mất điện và internet khiến việc liên lạc trở nên khó khăn. Thống đốc đảo Guam Lou Leon Guerrero cho biết trong một tin nhắn video vào cuối trưa thứ Năm rằng đường xá đã có thể đi lại được, nhưng người dân nên tránh lái xe và ở nhà do gió mạnh vẫn đang tiếp tục.

Theo các video đăng trên mạng xã hội, khi cơn bão di chuyển qua hòn đảo, nó đã làm bay các tấm pin mặt trời và làm vỡ một phần bức tường bên ngoài của một khách sạn. Khi cơn bão ở cường độ cao nhất, gió rít lên và hú như những chiếc máy bay phản lực trong khi nước tràn vào một số ngôi nhà.

Trung tâm khí tượng thủy văn của đảo Guam cho biết họ sẽ ngừng hoạt động vào buổi sáng để công nhân về nhà với các gia đình và đánh giá thiệt hại tại nhà của họ. Các đồng nghiệp tại văn phòng Honolulu sẽ trực thay.

Theo một quan chức Mỹ, Guam có thể sẽ cần nhiều sự trợ giúp. Hải quân đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đến hòn đảo này để hỗ trợ nỗ lực khắc phục hậu quả.

Guam cách Hawaii khoảng 3.800 dặm (6.115km) về phía Tây và cách Manila, thủ đô của Philippines 1.600 dặm (1.575km) về phía Đông.

Cơ quan dự báo thời tiết cho biết cơn bão đã mạnh lên với sức gió 155 dặm/giờ (249 km/giờ) vào thứ Năm và đạt tới mức độ một siêu bão. Bão Mawar (có nghĩa là “hoa hồng” trong tiếng Malaysia) được dự báo sẽ duy trì cường độ này trong 2 ngày tới.

Sau khi di chuyển khỏi đảo Guam, cơn bão dự kiến ​​sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc trên một vùng biển rộng lớn, vắng bóng người trong nhiều ngày và có thể đe dọa Đài Loan vào tuần tới.

Theo Lầu Năm Góc, Guam là một trung tâm quan trọng của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, với khoảng 6.800 quân nhân được đóng trên hòn đảo này. Các quan chức quân sự đã sơ tán nhân viên, đưa tàu ra biển và di chuyển máy bay ra khỏi đảo hoặc bảo quản chúng trong các nhà chứa và bảo vệ máy bay.

25-lu-italy.png
Mưa lớn trút xuống vùng Emilia Romagna làm hơn 23.000 người vẫn chưa thể về nhà

Tại Italy, do ảnh hưởng của thiên tai mà hàng chục nghìn người vùng Emilia Romagna của nước này vẫn chưa thể về nhà được vì lũ lụt. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 23/5 (giờ địa phương) đã phải phê duyệt khẩn cấp gói viện trợ trị giá hơn 2 tỷ EUR ( tương đương 2,2 tỷ USD) để giúp đỡ các khu vực bị lũ lụt. Đây là một trong những gói cứu trợ lớn nhất sau một thảm họa thiên tai quốc gia ở Italy.

Mưa lớn trút xuống vùng Emilia Romagna từ hôm 17/5 đã gây ra các vụ lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Theo Reuters, hơn 23.000 người vẫn chưa thể trở về nhà.

Ông Meloni cho biết, gói cứu trợ sẽ bao gồm việc tạm hoãn nộp thuế, chi phí dịch vụ công cũng như các khoản vay chính phủ. Nhà lãnh đạo đã gọi gói cứu trợ này là "phản ứng quan trọng đầu tiên với khu vực bị ảnh hưởng".

Trong số các biện pháp, chính phủ Italy tuyên bố tăng 1 EUR đối với vé vào cửa các bảo tàng nhà nước của Italy từ ngày 15/6 đến ngày 15/9. Tiền thu được, theo giải thích của Chính phủ Italy, sẽ được sử dụng để bảo vệ các đồ tạo tác văn hóa trong vùng lũ lụt.

Đây là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua và cũng là lần thứ 2 trong tháng này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đảo Guam (Mỹ) bị bão tàn phá, Italy viện trợ khẩn cấp cho vùng bị lũ lụt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.