Ngày 7/7, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng về Dự án xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ 13C nối tỉnh Đồng Nai với Bình Phước.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, qua lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, trên cơ sở phân tích, so sánh các phương án, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy phương án xây cầu Mã Đà và mở đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu bảo tồn) kinh phí rất lớn, ảnh hưởng diện tích rừng.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lựa chọn phương án không làm đường đi xuyên vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai (khu bảo tồn). Đồng thời, nghiên cứu bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 - TP.HCM, không qua cầu Mã Đà là khả quan nhất.
Theo đề xuất của tỉnh Bình Phước, tuyến kết nối có điểm đầu tại đường tỉnh 741, Thành phố Đồng Xoài, đi theo đường tỉnh 753. Đến vị trí giáp ranh Khu bảo tồn sẽ xây cầu Mã Đà, kết nối tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, phương án tuyến này có khó khăn là tuyến đi qua vùng lõi rừng gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học do các phương tiện lưu thông.
Ngoài ra, nơi đây có di tích lịch sử cách mạng là Trung ương cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ, địa đạo suối Linh và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Nếu làm đường xuyên lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai còn gây ra các tác động lớn đến hệ sinh thái, vướng mắc về Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế. Đồng thời chưa phù hợp với Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, chưa phù hợp với các chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Được biết, nhiều năm qua Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã đề nghị Đồng Nai phối hợp làm cầu Mã Đà. Tuy nhiên, qua 10 năm họp bàn phương án và trao đổi công văn qua lại, hai tỉnh vẫn dùng dằng chưa thống nhất phương án kết nối giao thông.
Phương án tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà, mở đường xuyên vùng lõi rừng gây nhiều tranh cãi, vấp phải phản ứng của dư luận vì cho rằng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai từ lâu được xem là "lá phổi xanh" của vùng Đông Nam bộ,
Ngoài ra, Khu bảo tồn này được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam vào năm 2011 vì vậy cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thực hiện đúng các cam kết.
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới ngày 29/6/2011.
Với tổng diện tích gần 100.000ha, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông; trong đó 80% diện tích bảo tồn thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.