Bảo vệ môi trường

Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Phúc Minh 05/11/2024 14:29

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng, và 600-1.000 đồng/lít, kg đối với các mặt hàng dầu trong năm 2025.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 11859/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu trong năm 2025 theo trình tự rút gọn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa. Đến năm 2026 trở về mức khung theo quy định.

xang-dau.jpg
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Cụ thể, xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa 600 đồng/lít. Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Từ ngày 1/1/2026, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg).

Đánh giá kết quả thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ, nhờn từ năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính cho biết chính sách đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế trong việc góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi xăng, dầu, mỡ nhờn cấu thành giá cơ sở xăng dầu trong nước.

Thực tế, kể từ năm 2022 đến nay, mặc dù lạm phát thế giới có những lúc tăng cao song kinh tế trong nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) và lạm phát được kiểm soát. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI và lạm phát cơ bản năm 2022, 2023 và 10 tháng năm 2024 thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách, từ đó góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá khách quan của Bộ Tài chính cho biết, việc giảm mức thuế sẽ trực tiếp làm giảm khoản thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN). Việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đánh giá là chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế BVMT, và ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong thời gian qua vẫn đảm bảo trong phạm vi khung thuế đã được quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường và đảm bảo với nguyên tắc phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó góp phần hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Mặt khác, mặc dù đây là khoản giảm thu đối với NSNN nhưng cũng chính là khoản hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp để góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự báo của các tổ chức uy tín thế giới, năm 2025, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Trong nước, mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi, nhưng chưa thực sự ổn định và vững chắc do vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này là yếu tố bất lợi để hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ổn định, Bộ Tài chính đề xuất cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 nhằm góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước, kiềm chế CPI.

Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Thuế bảo vệ môi trường được xem là một loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.