(Moitruong.net.vn) –

Đi lễ hội đầu năm là để cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, suôn sẻ trong năm mới. Đây còn là dịp mà các gia đình nghỉ ngơi, dành cho nhau những khoảng thời gian vui vầy, sum họp, tận hưởng những cảm giác thú vị trong những lễ hội truyền thống.

anh1

Hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Chùa Hương thuộc khu thắng cảnh Hương Sơn, tọa lạc tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Về với chùa Hương, được coi như việc tìm về với đất Phật.

Tới với chùa Hương, du khách sẽ được tìm về với những cảm giác thư thái giữa muôn trùng sông nước.Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương đón tiếp cả thảy hơn ngàn Phật tử tự về. Cũng bởi vậy mà thuyền bè tấp nập qua lại. Ngoài việc lễ lạt tại chùa, thì thú vui nhất khi đi chùa hương có lẽ là cảm giác thanh tịnh khi ngồi đò. Giữa mênh mông sông nước, đò lặng lẽ đưa người bước vào chốn huyền không hư ảo, nơi cửa Phật từ bi, tránh xa những bon chen xô bồ nơi thành thị, phố xá. Có thể nói rằng, đi đò giống như việc con người gột bỏ những toan tính, lo âu trước khi lễ chùa. Rời  thuyền, rời sông nước, con người bắt đầu hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa, bắt đầu hành trình tìm về cõi phật qua hành trình leo núi.

Có người đã viết rằng, trẩy hội chùa Hương là sự hòa hợp giữa mơ và thực, giữa tục và tiên. Thực là nền tảng, mơ là ước vọng trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận, hành động và trao truyền.

Trẩy hội Yên Tử

 “Trăm năm tích đức, tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”

Yên Tử là vừa mang dáng dấp của những di tích lịch sử, vừa mang hơi thở của thiên nhiên huyền ảo, kỳ bí. Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, là nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của đạo Phật Việt Nam. Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của nước ta từ đó. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, những công trình kiến trúc về chùa, am, tháp và những di vật cổ quý giá từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn lưu dấu tích, ẩn khuất giữa rừng già. Phù Vân Sơn tựa như  một bảo tàng về lịch sử, văn hóa kiến trúc, bảo tàng động vật, thực vật phong phú. Chính nơi đây, bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ.

Cảm giác thích thú nhất khi tới Yên Tử có lẽ là những xúc cảm yên bình mà người tới thăm có được khi đứng trên đỉnh núi. Đó là khi ta phóng tầm mắt nhìn thấy khắp vùng Đông Bắc Bắc Bộ của Tổ quốc. Để lên trên đỉnh chùa Đồng, du khách phải trải qua hành trình với hàng ngàn bậc đá. Leo núi Yên Tử, là cảm giác lạc vào giữa mênh mông bạt ngàn rừng núi. Lên tới đỉnh núi, thành tâm thắp nhang tại chùa Đồng, ai nấy đều cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, thoát tục.

Hội khai ấn đền Trần

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định.

anh3

Lễ Hội đền Trần

Tới với lễ hội đền Trần, du khách không chỉ tham gia xin ấn mà còn được hòa cùng những nghi lễ truyền thống trong ngày lễ khai ấn ở đây như múa lân, cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử, hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ. Và đặc biệt nhất là điệu múa Bông được truyền từ đời này sang đời khác. Sử sách ghi lại rằng, vào đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông nhà vua cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là “Thái Bình diên yến”. Trần Quang Khải đã sáng tác điệu múa mừng chiến thắng mang tên múa “bài bông”. Những người múa bài này là những cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc, mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn trên vai, hai đầu quẩy hai chiếc giỏ xếp đầy hoa hoặc hai chiếc đèn lồng bằng giấy. Người múa còn cầm chiếc quạt phụ hoạ cho động tác múa. Những điệu múa uyển chuyển nhưng cũng không kém phần linh hoạt, nhanh nhẹn. Múa “bài bông” được chia thành bát dật, lục dật, tứ dật đến thời Nguyễn đã thành quy củ. Đến nay phường Phương Bông ngoại thành Nam Định vẫn hình thành đội múa có trình độ điêu luyện.

(Theo Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi hội đầu năm