Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt làm xong thì nhanh chóng rơi vào tình trạng không có nước để hoạt động và trở thành vô dụng.
Điển hình có thể kể đến như công trình nước sinh hoạt tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên được đầu tư hàng tỉ đồng để phục vụ cho người dân vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, công trình này bị bỏ hoang từ nhiều năm nay vì gần như không còn dấu vết của dòng suối.
Người dân bản địa ở đây cho biết, sở dĩ công trình nước sinh hoạt này được xây dựng ở đây vì trước đó hơn chục năm thì dòng suối này vẫn rất nhiều nước. Người dân vẫn vận chuyển nông sản và tre nứa từ rừng về theo dòng suối này. Tuy nhiên, đến nay đã không còn dấu tích của dòng suối nên công trình trở nên vô dụng.
Hay dòng sông Nậm Rốm huyền thoại vốn mênh mông nước gắn với lịch sử và vùng đất Điện Biên từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, sau khi xả đập ngăn nước để trở về dòng chảy tự nhiên thì dòng sông chỉ còn là một dòng chảy nhỏ yếu ớt chủ yếu từ nguồn nước thải sinh hoạt.
Cùng với đó, hồ Pá Khoang được coi là công trình thủy lợi lớn nhất phục vụ nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh nhưng cũng đã nhiều lần mực nước xuống thấp sát mực nước chết và kéo dài trong nhiều ngày.
Vào tháng 7/2022, người dân TP Điện Biên Phủ và một phần huyện Điện Biên phải đối diện với tình trạng mất nước sinh hoạt trong nhiều ngày do nguồn nước hồ chứa quá đục khiến hệ thống xử lý nước của nhà máy quá tải, không thể hoạt động.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công xuất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm.
Hiện nay, ước tính nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 225,27tr.m3/năm. Khu vực khai thác nhiều nước tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên gồm thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó huyện Điện Biên có diện tích trồng lúa nước lớn nhát trong tỉnh nên có lượng nước sử dụng của huyện đạt 77,49tr.m3/năm chiếm 34,4% tổng lượng nước khai thác. Sử dụng nước trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp khai thác khoảng 204.45 trm3/năm (chiếm 90,0% tổng nước được sử dụng). Lượng nước dùng trong nuôi trồng thủy sản 9.5%, chăn nuôi 3.5% và lượng nước dùng cho tưới chiếm 177,97 tr.m3/năm (chiếm 87,0% tổng lượng nước dung trong ngành nông nghiệp)
Cùng với đó, nước dùng cho sinh hoạt dịch vụ và du lịch, khu dân cư sử dụng khoảng 19,18trm3/năm. Lượng nước cấp của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19,180m3/ngày đêm, khoảng 67,6% tổng công suất thiết kế của các nhà máy, mới chỉ cấp nước cho TP Điện Biên Phủ và một số thị trấn, thị xã huyện. Còn hầu hết người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nguồn nước sinh hoạt với các hình thức công trình cấp nước đơn giản, chủ yếu là hệ thống tự chảy, mó nước, máng lần hoặc trực tiếp từ sông, suối…và đều không được xử lý.
Theo bà Trần Thị Thanh Phượng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Điện Biên, để bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước, hạn chế việc suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt nước ngầm, tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; nguồn nước mặt và văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn.
Đồng thời, Sở TNMT đã công bố danh mục nguồn nước cần bảo vệ và đôn đốc các huyện lập kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân sâu xa chính là nạn phá rừng triền miên dẫn đến suy giảm nguồn nước. Hay tình trạng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tràn lan dẫn đến biến đổi dòng chảy, thay đổi nguồn đa dạng sinh học mặc dù những dự án này có thể mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt.
Trong khi đó, mỗi năm tỉnh Điện Biên có hàng chục vụ phá rừng, hiện toàn tỉnh có 26 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó có 17 dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác; 9 dự án thủy điện đang trong quá trình thi công, xây dựng. Trong khi đó mỗi dự án sẽ kéo theo rất nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, hiện tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh là gần 954.000ha. Trong đó diện tích có rừng chỉ chiếm khoảng hơn 415.000ha, tỉ lệ che phủ rừng chỉ đạt khoảng 43,54%.
Do vậy, để đảm bảo nguồn nước thì cần nhìn nhận từ những nguyên nhân sâu xa để có chiến lược bảo vệ gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chỉ xử lý phần ngọn mà không có kế hoạch dài hạn thì vấn đề mất an ninh, an toàn nguồn nước sẽ tiếp tục trở nên nghiêm trọng và đáng báo động.