Đại diện UBND xã Sa Lông cho biết, ảnh hưởng của mưa bão trong nhiều ngày qua, tại khu vực đèo Ma Thì Hồ vẫn còn tình trạng đá lở, đất rơi. Hiện, Công ty cổ phần đường bộ 226 đang đảm nhiệm công tác xúc dọn mặt đường, khắc phục sạt lở để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi lại.
Cụ thể, hàng trăm m3 đất, đá đã bất ngờ đổ xuống mặt đường đèo Ma Thì Hồ ở Km 121+350 - Km 122+800 trên quốc lộ 12, gây tắc nghẽn giao thông, đe dọa đến an toàn của người và phương tiện lưu thông.
Tuyến đường đèo Ma Thì Hồ là cung đường nằm dài từ Huổi Lèng – Sa Lông (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Đỉnh đèo cách thị trấn Mường Chà khoảng 4 km về phía Bắc. Cung đường được cảnh báo rất nguy hiểm, dù đã được “cắt cua” nhiều chỗ.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường bộ 226 cho biết: Trong đợt mưa bão vừa qua, công ty phải thường xuyên tiếp cận với cung sạt, nhằm đảm bảo an toàn trên một số tuyến đường được giao đảm trách. Bước đầu đơn vị xác định khối lượng đất, đá tràn xuống mặt đường vị trí Km 449+350 trên quốc lộ 6 (đoạn từ huyện Tuần Giáo về TX. Mường Lay và ngược lại) khoảng 6.000 - 7.000m3.
Để khắc phục điểm sạt lở này, đơn vị đã bố trí lực lượng và máy móc để giải tỏa lượng đất, đá sạt xuống từ 2 phía, song vì phía dưới ta luy âm đều là ruộng của người dân nên gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo giao thông được thông suốt, liên tục, thuận lợi, an toàn cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, trước đó, Sở Giao thông Vận tải Điện Biên đã thực hiện tổ chức phân luồng giao thông (tạm thời) tuyến đường trên để thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông.
Còn đối với Quốc lộ 12, các phương tiện là xe thô sơ, xe con, xe khách dưới 16 chỗ, xe tải đã có thể lưu thông an toàn từ thị xã Mường Lay đi theo Quốc lộ 12 đến ngã ba giao Quốc lộ 12 tại xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà (Km115+250/QL.12) rẽ trái đi theo tuyến ĐT.144B đến ngã ba giao Quốc lộ 6 (Km434+730), rẽ phải đi Tuần Giáo và ngược lại.
Tuyến Quốc lộ 12 và Quốc lộ 279 từ thị xã Mường Lay - TP. Điện Biên Phủ - huyện Tuần Giáo và ngược lại cũng đã đảm bảo an toàn giao thông đi lại.
Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng tiến hành lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, rào chắn, bố trí người trực gác phân luồng giao thông tại các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn giao thông. Phối hợp cùng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tiết, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông đảm bảo an toàn.
Sạt lở đất không chỉ gây ra những thiệt hại về người và kinh tế mà còn có tác động rất lớn tới môi trường khi có thể gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm tài nguyên…