Độc đáo tục tắm lá mùi vào chiều 30 Tết

Phương Nhi|21/01/2023 12:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ xa xưa, người Việt đê cú tục tắm nước lè mùi chiều cuối năm để gột rửa, xua đi những điều khûng may mắn của năm cũ, đún năm mới với khởi đầu tốt đẹp hơn.

Không biết phong tục tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết có tự bao giờ nhưng nét đẹp truyền thống này đến nay vẫn được lưu giữ như một điều không thể thiếu trong ngày Tết. Hương lá mùi già thoang thoảng vào chiều 30 góp thêm nét đặc trưng của Tết, khiến mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn, bao muộn phiền như được gột rửa. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm được cho là nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì.

bo-mui.jpg
Bó mùi già đun lên để tắm vào chiều 30 Tết mang lại cảm giác thư thái, ấm áp, bình an trong ngày đầu năm mới với biết bao hy vọng mới.

Theo quan niệm của nhiều người, tắm nước lá mùi nhằm ý nghĩa xua tan đi những chuyện không hay, những bụi trần trong suốt một năm để chuẩn bị đón một năm mới đầy ý nghĩa. Trong Đông y, rau mùi có tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, chống mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe. Có lẽ, cùng vì những tác dụng như một vị thuốc dân gian, lại thêm hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng, có thể lưu giữ lâu nên bao đời nay, cây mùi già được các thế hệ người Việt Nam dùng để xông nhà cửa, tắm gội vào chiều cuối năm.

Mùi là cây rau của mùa đông. Thường cứ vào cuối đông, người nông dân gieo hạt mùi, sau cây mùi nhanh chóng đơm những nụ hoa trắng li ti, kết những chùm quả nhỏ. Khi ấy, người nông dân cắt mùi sát tận gốc, bó thành từng nắm nhỏ mang ra chợ bán. Những gánh mùi già xuất hiện ở chợ dân sinh vào khoảng 27 Tết, rồi rộ lên bán vào ngày 29, 30 Tết. Một mớ mùi già được bán với giá khoảng 3 ngàn đồng, có khi là 10 ngàn 3 bó, hoặc gặp lúc người bán vội về để kịp đoàn viên gia đình có thể vừa bán vừa tặng người mua. Ra Giêng, nhiều người vẫn gánh cây mùi đi bán.

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, những bậc cao niên, ông bà trong gia đình thường nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để tắm vào ngày 29 hay 30 tháng Chạp.

Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.

Theo quan niệm người xưa, được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là trút bỏ những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.

Nước hoa mùi không chỉ giúp cho con người chúng ta được sạch sẽ, mà còn giúp cho tinh thần chúng ta sảng khoái, hết mệt mỏi.

Cây mùi già có đặc trưng thơm lâu, từ lá, hoa, quả đến rễ đều có thể tạo hương thơm. Bởi thế, khi nấu nước lá mùi nên để nguyên rễ, rửa sạch. Không cần cho quá nhiều lá mùi, chỉ cần 2 bó mùi nhỏ nồi nước tắm vẫn sóng sánh một mùi hương nhẹ nhàng, bền lâu. Nhiều người kỹ tính đun lá mùi còn phải để sôi lăn tăn trên bếp độ mươi, mười lăm phút mới tắt bếp để hương thơm lan toả, xông vào từng ngóc ngách trong nhà.

PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Bởi vậy, nước lá mùi tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng, dễ chịu nên loại lá này rất thích hợp cho việc “tẩy trần”.

Trong ngày cuối năm, người Việt xưa quan niệm rằng tắm nước lá mùi già sẽ xua đi những điều không may mắn của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, nước lá mùi còn giúp cho người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, làm dịu cơn co rút cơ và được dùng chữa cảm. Theo nhiều nghiên cứu, loại cây này còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có thể giảm viêm da, chống viêm nhiễm…

Ngoài ra, cây mùi để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi đun lên, cho mùi thơm. Khi dùng lá mùi để tắm, chúng ta cần rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun.

Vào những ngày cuối năm, bên cạnh nồi bánh chưng thơm lừng, chậu nước lá mùi cũng là mùi hương không thể thiếu.

Nhiều bạn trẻ còn vui đùa rằng khi mẹ quên mua lá mùi để tắm thì đồng nghĩa với việc Tết còn rất xa. Dù là ở miền quê hay thành thị thì vào dịp Tết, người Việt cũng không quên tắm lá mùi như một cách làm gột rửa đi những thứ muộn phiền của năm cũ, chỉ giữ lại cảm giác thanh sạch, sảng khoái đón năm mới về.

Ngoài việc dùng để tắm, nhiều người còn nấu nước lá mùi ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới.

Chiều 30 Tết, khi các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm đoàn viên, mùi thơm thanh khiết, dịu nhẹ của nồi nước lá bay ra, lan toả khắp căn nhà khiến lòng người nhẹ nhõm, bao mệt mỏi, buồn bực được tan biến. Nhà cửa như thêm phần thơm tho, sạch sẽ. Các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương nhờ mùi hương đặc trưng của Tết. Với nhiều người, dù trong nhà đã sắm đủ đào, quất, thược dược, violet tím nhưng chưa có hương mùi già hình như Tết vẫn chưa trọn vẹn, Xuân hình như còn thiếu…

Ngày nay, nhiều gia đình trang bị hệ thống nhà tắm hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tắm nước lá mùi già ngày Tết, bởi đó là mùi của thiên nhiên, của đồng quê. Đôi khi với những người xa xứ, đó là mùi của ký ức, của quê hương, cội nguồn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo tục tắm lá mùi vào chiều 30 Tết