Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Hành trình trở về cội nguồn hun đúc tinh thần dân tộc

Mai Hạ|05/04/2025 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, hàng triệu con tim người Việt, dù ở trong nước hay xa xứ, lại cùng hướng về Đất Tổ – nơi các Vua Hùng đã khai sinh Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2025 diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng nhưng cũng đầy sức sống, mang theo khát vọng kết nối truyền thống với hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc Việt trên toàn cầu.

Nơi đâu có người Việt, nơi đó có Quốc Tổ

Sáng sớm ngày 3/4/2025 (tức mùng 5 tháng 3 âm lịch), tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, đội tế lễ xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) thực hiện nghi lễ tế truyền thống trong không gian trang nghiêm, thành kính. Đây là một trong những nghi thức mở đầu cho chuỗi hoạt động trọng thể của Giỗ Tổ năm nay, diễn ra từ ngày 29/3 đến 7/4 (tức từ mùng 1 đến 10 tháng 3 âm lịch năm Ất Tỵ).

Trong tâm thức người Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một lễ hội truyền thống, mà còn là ngày Quốc lễ - biểu tượng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, của tinh thần đại đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.

4-gto-hv.jpg
Các địa phương rước kiệu về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi tham gia tour đêm đền Hùng để được cảm nhận trọn vẹn không gian linh thiêng, tĩnh lặng, nơi mà mỗi bước chân như trở về với tổ tiên.”

Từ Hà Nội, chị Hoàng Thị Xuân cũng có mặt từ sớm. “Tôi đã đi Đền Hùng vài lần, nhưng hành hương buổi tối lên đền Thượng thật đặc biệt. Khi cả nước cùng hướng về nguồn cội, tôi như được sống trong một dòng chảy thiêng liêng xuyên suốt từ ngàn đời.”

Không chỉ ở trong nước, tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt cũng lập bàn thờ, tượng Vua Hùng để tưởng nhớ tổ tiên. Theo ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trong cộng đồng kiều bào.

Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu do kiều bào khởi xướng từ năm 2015, đến nay đã tổ chức lễ an vị tượng Vua Hùng tại hơn 10 quốc gia. Năm nay, chương trình sẽ tổ chức vào đúng ngày 10/3 âm lịch (7/4 dương lịch) bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây không chỉ là hoạt động tri ân nguồn cội mà còn góp phần củng cố mối quan hệ ngoại giao nhân dân, vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào tại Đức xúc động nói: “Dù đi khắp bốn phương trời, chúng tôi luôn biết đâu là tổ tông để trở về. Giỗ Tổ là dịp nhắc nhở con cháu về cội nguồn, về lòng tự hào là người Việt Nam.”

Di sản văn hóa, động lực phát triển

Hiện Phú Thọ có 345 di tích thờ Hùng Vương, trong đó nổi bật nhất là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – nơi được quy hoạch hơn 800 ha để trở thành công viên văn hóa tâm linh lớn nhất cả nước. Theo ông Nguyễn Huy Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương là “cơ hội vàng” để quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương.

Giỗ Tổ năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, dự kiến đón khoảng 4 triệu lượt khách. Phần lễ diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, còn phần hội sôi động với hàng chục hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch đặc sắc như: Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ, Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, Hội sách Đất Tổ, Trưng bày hiện vật thời kỳ Hùng Vương, cùng các chương trình hát Xoan làng cổ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống...

Một điểm nhấn là chương trình “Hát Xoan làng cổ” – loại hình đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2011) và nay là Di sản đại diện của nhân loại (từ 2017). Chị Bùi Thị Hằng (phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức) chia sẻ: “Chúng tôi đang luyện tập ngày đêm để mang đến những tiết mục đặc sắc, giới thiệu di sản văn hóa quý giá này tới đông đảo du khách.”

Hành trình trở về Đền Hùng mỗi mùa Giỗ Tổ không chỉ là cuộc trở về với cội nguồn tổ tiên, mà còn là hành trình hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2025 là minh chứng cho sự gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại, giữa người Việt trong nước và cộng đồng kiều bào, giữa tín ngưỡng dân gian và sức mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch trong thời đại mới.

4-gto.jpg
Đoàn kiều bào dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Cũng trong ngày 3/4 (tức ngày 6/3 âm lịch), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), tổ chức cho đoàn kiều bào gồm 50 đại biểu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, về dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Đoàn do Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên dẫn đầu.

Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đoàn đến dâng hương tại đền Quốc tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại đền Hạ, đền Trung và làm lễ báo công, tri ân công đức tổ tiên tại đền Thượng.

Chia sẻ niềm xúc động khi lần đầu tiên được dâng hương tại Đền Hùng - nơi linh thiêng gắn liền với cội nguồn dân tộc, ông Trần Quang Hiển (đại diện kiều bào Thái Lan) cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự kết nối sâu sắc với quê hương, Tổ quốc; biết ơn và tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông, nhất là công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng cũng như sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Là người con xa quê hương hơn 20 năm, chị Vũ Thị Huyên (kiều bào Hàn Quốc) chia sẻ: "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Tôi sẽ giáo dục con cháu mình, chia sẻ với các thế hệ trẻ kiều bào, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng luôn nhớ về nguồn cội, cha ông và văn hóa tốt đẹp của dân tộc".

Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hằng năm, các cơ quan đại diện, hội đoàn người Việt khắp nơi trên thế giới đều tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn này của dân tộc.

Việc tổ chức cho đoàn kiều bào dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vừa góp phần triển khai chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; cũng là hoạt động thông lệ trong chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoạt động tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào ở nước ngoài với quê hương, đất nước, phát huy truyền thống hướng về cội nguồn và tri ân công đức của tổ tiên; qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Cùng ngày, đoàn kiều bào làm việc với đại diện UBND tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang. Nhân dịp này, đoàn kiều bào đã trao quà từ thiện, đóng góp cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Tuyên Quang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Hành trình trở về cội nguồn hun đúc tinh thần dân tộc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.