Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Tuấn Kiệt|03/03/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 45-60 km.

Gia tăng xâm nhập mặn trong tháng 3

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022 - 2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 3/2023 (từ 18 - 25/3); tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2023 (từ 18 - 25/3 và từ 17 - 23/4).

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.

xam-nhap-man.jpg
Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động các phương án ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: CN

Tại tỉnh Bến Tre, mùa khô 2022 - 2023, xâm nhập mặn ở mức sớm hơn trung bình nhiều năm, từ nửa cuối tháng 12/2022 mặn bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông. Xâm nhập mặn sâu nhất ở mức xấp xỉ và thấp hơn mùa khô 2021 - 2022. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào tháng 2 và 3/2023. Dự báo độ mặn 4‰ có thể xâm nhập cách các cửa sông khoảng từ 45 - 57km; độ mặn 1‰ có thể xâm nhập cách các cửa sông khoảng từ 54 - 68km.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, nhằm thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng kế hoạch, phương án phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023, ngay từ cuối năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ.

UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các huyện, thành phố bám sát tình hình diễn biến mặn, phối hợp với các đơn vị cấp nước, các đơn vị có liên quan vận hành các công trình thủy lợi kịp thời, hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân và đảm bảo nước ngọt cho các hồ, kênh chứa nước ngọt.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong các tháng mùa khô năm 2023, do mực nước trên sông Mê Công giảm nhanh nên có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước, độ mặn có thể xâm nhập sâu vào trong nội đồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Trên sông Tiền, xâm nhập mặn tương đương mùa khô năm 2022. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất xuất hiện vào nửa cuối tháng 3/2023. Dự báo biên mặn 1g/l có khả năng xâm nhập khoảng từ 50 - 54km (từ cầu Rạch Miễu đến bến đò Bình Đức (cống Xoài Hột)); biên mặn 4g/l cách cửa sông 42 - 47km (cống Xuân Hòa - vàm Tân Mỹ Chánh).

Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Trương Thành Dãnh cho biết, Vĩnh Long nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu nên có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm. Tuy nhiên, hàng năm, vào thời kỳ cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do hạn hán xảy ra.

Tỉnh Vĩnh Long đã có các kịch bản ứng phó với hạn, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích 45.000ha lúa, trên 22.800ha cây màu vụ Đông Xuân; hơn 41.000ha lúa, trên 19.200ha cây màu vụ Hè Thu năm 2022 - 2023 và hơn 68.300ha cây lâu năm hiện có, trong đó đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000ha lúa Hè Thu, hơn 3.700ha cây màu ở các huyện nhiễm mặn cao trên 4‰ (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ).

Trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019 - 2020, mực nước sông, rạch rất thấp, ngành chức năng địa phương sẽ tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có, đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt.

Biện pháp được thực hiện là nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023, vụ Hè Thu năm 2023 kết hợp cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt, đồng thời huy động các lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư ứng phó…

Tại Trà Vinh, nhằm tăng cường các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục; khẩn trương thực hiện trữ nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô, đặc biệt bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.

xam-nhap-man-1.jpg
Thi công xây dựng đập thép tạm để ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang)

Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân

Một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023.

Với mức xâm nhập mặn trên so với năm 2020 thấp hơn từ 26-38 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 5-13km, tuy nhiên cao hơn từ 1-3km so với năm 2022. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 45km trở xuống.

Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất tháng 3/2023 trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 65-75 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 15-24 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 29-31 km, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5-7km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 65km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống Cái Lớn – Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

Với khu vực Đông Nam Bộ, hiện khu vực này đang giai đoạn mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 3 đạt khoảng 69% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong mùa khô tới đây thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 – 2023.

Tuy nhiên, Cục Thủy lợi khuyến cáo cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2023, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Vùng Đông Nam Bộ có phần lớn diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực công trình thủy lợi (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), đây là các khu vực không chủ động về nguồn nước và phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa mùa khô. Vì vậy, trong vùng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ nếu nắng nóng kéo dài và không có mưa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn