Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn có khả năng đến sớm

Ngọc Linh (t/h)|03/09/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019 thay vì tháng Ba, tháng Tư năm sau với mức độ khốc liệt. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nghiêm trọng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về Việt Nam.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng.

Ảnh Minh họa

Cụ thể, khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019 thay vì tháng Ba, tháng Tư năm sau với mức độ khốc liệt. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nghiêm trọng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về Việt Nam. Khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ cao hơn, gay gắt hơn nhiều so với TBNN. Các địa phương ở ĐBSCL cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống . Tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng vào sâu vào nội địa 45-55km (tùy cửa sông).

Các ngày triều cường, gió chướng mạnh, xâm nhập mặn có thể tăng đột biến nhưng tồn tại trong thời đoạn ngắn.

Từ tháng 3/2020, theo xu thế một số năm gần đây, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng do hoạt động điều tiết của các hồ chứa ở thượng nguồn, xâm nhập mặn sẽ có xu thế giảm so với tháng 1, tháng 2.

Từ tháng 8 đến hết tháng 9 lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tăng, nhưng vẫn ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 20 – 50%. Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ trong các tháng tới được cải thiện và chỉ xảy ra ở một số nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.

Tình trạng xâm nhập mặn đang giảm dần, riêng khu vực Trung Trung Bộ vẫn tiếp tục diễn ra ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, song cường đô sẽ giảm hơn so với thời gian qua.

Gió mùa Tây Nam có xu hướng kết thúc sớm trên lưu vực sông Mê Công nên dự kiến đỉnh lũ nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp (báo động 1). Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ trong mùa khô năm 2019-2020.

Tổng cục Thủy lợi dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đỉnh lũ năm 2019 đến muộn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng nửa đầu tháng 10, mực nước cao nhất ở mức dưới báo động 1, tại Tân Châu mức từ 3-3,5m, Châu Đốc 2,5-3m.

Lũ không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn của đê bao, bờ bao. Tuy nhiên, có một số ảnh hưởng bất lợi về vệ sinh đồng ruộng, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Trong tháng 8, mực nước lũ tại thượng nguồn sông Mekong có xu thế tăng do có một số đợt mưa lớn tại Lào và hiện ở mức cao hơn năm 2015 (năm sinh ra hạn lịch sử 2016), nhưng thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Mực nước tại một số trạm tính đến ngày 30/8: tại Tân Châu đạt 2,29m (thấp hơn trung bình nhiều năm 1,07m, cao hơn năm 2015 là 0,13m; tại Châu Đốc đạt 2,11m (thấp hơn trung bình nhiều năm 0,79 m, cao hơn năm 2015 là 0,08 m).

Hiện tại, dung tích Biển Hồ (ở Campuchia) trữ ước tính khoảng 21,77 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19,8 tỷ m3.

Dự báo, đến chính mùa lũ, dung tích Biển Hồ trữ được khoảng 25-33 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-15 tỷ m3, lớn hơn khoảng 5-6 tỷ m3 so với năm 2015.

Về lâu dài, Tổng cục Khí tượng Thủy văn bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ.

Tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nội dung Xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn có khả năng đến sớm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.