Theo đó, sau khi tỉnh Đồng Nai nhận được kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, cập nhật, ứng dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh Đồng Nai tổ chức triển khai thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu theo Hợp phần biến đổi khí hậu thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bao gồm: Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai; Xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Một góc Khu bảo tồn sinh thái của Đồng Nai trên địa bàn huyện Tân Phú . (Ảnh: K.V)
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân và đây cũng là các hoạt động thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng…
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn tổ chức hội thi tìm hiểu với chủ đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Hội thi viết bài tìm hiểu về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp để đánh giá các tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong thực tế sản xuất nông nghiệp, người nông dân ngày càng phải quan tâm đến các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Vinh cho rằng, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp như tăng tỷ lệ giống ngắn ngày; sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã…); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên cần được chú trọng.
Xuất phát từ thực tế trên, theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu vào danh mục ưu tiên với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 nghìn tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai hàng loạt dự án điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cơ bản về tiềm năng nguồn nước, hiện trạng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội như dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tỉnh Đồng Nai…
Huyền Nhung (T/h)