Mùa khô năm 2020, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn được dự báo là sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng cho ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, các tỉnh trong khu vực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế hạn mặn xâm nhập.
Tổng cục Thủy lợi đã khuyến cáo bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đối với diện tích xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 muộn, các địa phương cần tích cực trữ nước và xây dựng phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn, nhất là 94.000/318.000 ha lúa xuống giống muộn trong tháng 12/2019 ở 9 tỉnh ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng hạn, mặn là Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre.
Nhiều diện tích ở ĐBSCL đang bị khô hạn do thiếu nước ngọt. (Ảnh: K.V)
Cùng với đó, các địa phương đã thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020 xong không nên xuống giống vụ hè thu ngày, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp cho lúa, rau màu…hiện xâm nhập mặn đang tăng cao theo các kỳ triều cường tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó từ tuần thứ 2 của tháng 2/2020, xâm nhập mặn cao với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km, thấp hơn 15-17km so với mức sâu nhất năm 2016.
Tại các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất 75km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016. Từ nay đến tháng 3, tháng 4/2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, cũng như tháo gỡ khó khăn trong sinh hoạt cho bà con nông dân.
Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang cho biết, trong những ngày qua, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang diễn biến rất phức tạp, biến động nhanh và tăng cao. Độ mặn nguồn nước mặt tại một số nhánh sông mà công ty đang khai thác để cung cấp nước tăng cao vượt quá giới hạn cho phép nên ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước sạch cho người dân.
So với năm trước, tình hình xâm nhập mặn của năm nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn ra rất sớm, vô cùng gay gắt và phức tạp. Bên cạnh đó, năm nay nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền và xâm nhập theo cả 2 triều Biển Đông và Biển Tây. Do đã dự báo trước tình hình xâm nhập mặn năm 2020 rất phức tạp nên ngay từ tháng 12/2019, Công ty đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2020 và triển khai thực hiện đến toàn thể các đơn vị thành viên của công ty thực hiện. Theo đó, chủ động vận hành khai thác 9 giếng nước ngầm với công suất tổng cộng là 11.400 m3/ngày đêm.
Khi nước mặn xâm nhập, các nhà máy nước của công ty và nhà máy nước của các nhà đầu tư liên doanh sẽ phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để sẵn sàng cung cấp nước cho người dân; hoàn thành và đưa vào sử dụng cụm xử lý nước ngầm với công suất 2.000-2.500 m3/ngày đêm tại trạm tăng áp Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp); thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến tình hình xâm nhập mặn về mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng để có kế hoạch chọn thời điểm lấy nước thô phù hợp, đảm bảo cung cấp nước tương đối ổn định cho người dân.
Đắp bờ bao trữ nước ngọt trong nội đồng ở ĐBSCL. (Ảnh: K.V)
Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cho hay, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn; giảm thiểu rủi ro trong sản xuất do thiếu nước tưới cho nông dân. Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường nước, thường xuyên theo dõi khi độ mặn xuống mức cho phép thông báo cho nông dân lấy nước ngọt tưới tiêu, tích trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng; kiểm tra cống, bọng tránh bị rò rỉ làm mất lượng nước dự trữ bên trong nội đồng; khẩn trương ra quân thu gom lục bình trên các tuyến kênh, rạch để khơi thông dòng chảy, điều hòa nguồn nước… Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống hạn, mặn, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn về các biện pháp ứng phó và phòng chống hạn, mặn trên lúa, rau màu, cây ăn trái và vật nuôi cho bà con nông dân trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long, Cầu Kè và Châu Thành tham gia.
Tại tỉnh Bến Tre, địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn. Thời điểm này hạn, mặn đang bước vào cao điểm, có khả năng ảnh hưởng đến cả khu vực phía Đông và phía Tây của tỉnh, nhất là đối với vùng sản xuất lúa và cây ăn trái. Trước diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp phòng, chống đã và đang tập trung thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra. Tỉnh Bến Tre đã vừa tổ chức đóng đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành nhằm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ 800 nghìn dân trong khu vực. Tại Bến Tre, công trình Cống Xuân Hòa được đưa vào sử dụng cũng đã hạn chế được nhiều thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo cho sản xuất lúa cho khu vực Gò Công.
Hoài Thương (T/h)