Chiều 31-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về những nội dung gồm các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác.
Thủ tướng cho rằng tác động của dịch bệnh là rất lớn, không chỉ sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả đời sống người dân. Vì vậy, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước.
Cuộc họp tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 1-4 để Chính phủ có nghị quyết thông qua.
Để chuẩn bị cho gói hỗ trợ này, Thủ tướng đề nghị làm rõ ba vấn đề. Trước hết xác định rõ đối tượng ai cần hỗ trợ?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, phải đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc.
“Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, cần xác định chính xác mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ cho từng loại đối tượng.
Thứ ba là xác định rõ nguồn hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định. Theo Thủ tướng, nguồn chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền địa phương cũng như từ doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo việc hỗ trợ phải đảm bảo 4 nguyên tắc.
Thứ nhất là hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 làm giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm.
Thứ hai là hỗ trợ theo nguyên tắc chia sẻ, cả người lao động, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và Nhà nước cùng chia sẻ để bảo đảm mức sống cơ bản tối thiểu, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phân bổ phù hợp với ngân sách Trung ương và địa phương.
Thứ ba là chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm xác định đúng đối tượng hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại. Thủ tướng yêu cầu khoản tiền hỗ trợ này phải đến được tay người lao động.
Nguyên tắc thứ tư là doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và người dân, có trách nhiệm giữ người lao động.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng cho ý kiến về các mức hỗ trợ trực tiếp với tổng số tiền ước tính khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương. Nguồn này sẽ dành hỗ trợ cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội và người có công; người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm…
Cụ thể như hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Thủ tướng giao Bộ Lao động – thương binh và xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ cho tất cả đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.
Nguồn hỗ trợ là cả ngân sách trung ương và địa phương. Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương, giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho 3 tháng 4, 5, 6.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hàng tháng. Nếu doanh nghiệp không đủ nguồn để chi trả tối thiểu 50% lương tối thiểu cho lao động thì vay Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi, và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Theo Thủ tướng, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi Chính phủ phải đảm bảo đời sống ở mức cơ bản tối thiểu cho nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm… Covid-19 không chỉ tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà còn với đời sống người dân.
Mai An